Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Patricia Abarzúa, Chủ tịch Hội hữu nghị Chile - Việt Nam kể lại khoảnh khắc lịch sử cách đây nửa thế kỷ.
"Khi đó ở Chile, chúng tôi vẫn sống dưới sự đàn áp của chế độ độc tài quân sự và các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin tình hình chiến sự ở Việt Nam rất hạn chế. Tuy vậy, thông tin về chiến thắng 30/4 nhanh chóng được lan truyền từ người này sang người khác. Niềm vui vỡ òa, chúng tôi ăn mừng trong nhà và cố gắng nghe thêm thông tin qua Đài phát thanh Moskva, phương tiện truyền thông nước ngoài duy nhất có thể nghe được, nhưng cũng rất khó khăn".
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN) |
Tin vui chiến thắng cũng nhanh chóng lan đến một số nơi, khi nhận được tin này, tiếng reo mừng đã vang lên như “Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh… chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng” hay như “Dân tộc đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”.
Theo bà, thắng lợi ngày 30/4 không chỉ là dấu mốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là minh chứng cho giá trị của ý chí tự quyết, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành nguồn cảm hứng và tấm gương cho các phong trào giải phóng ở Mỹ Latinh và nhân dân thế giới.
Bà Patricia Abarzúa cũng nhắc lại phong trào phản chiến và ủng hộ của nhân dân Chile trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước. Hàng nghìn sinh viên từng tổ chức cuộc tuần hành lịch sử hơn 200km từ cảng Valparaíso đến thủ đô Santiago để phản đối chiến tranh Việt Nam. Mọi phương tiện văn hóa nghệ thuật, từ sân khấu đến âm nhạc, thơ ca, hội họa... đều được huy động để thể hiện tinh thần ủng hộ Việt Nam. Ca sĩ - nhạc sĩ nổi tiếng Víctor Jara đã đạo diễn vở nhạc kịch mang tên "Viet Rock", đồng thời sáng tác bài hát "Quyền được sống trong hòa bình" dành tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Đến nay, bài hát ấy vẫn vang lên bằng tiếng Tây Ban Nha tại Chile và tiếng Việt tại Việt Nam, như một cây cầu văn hóa sống động, nối dài quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Cũng trong thời khắc lịch sử 30/4/1975, tại Hà Nội, ông Fredesmán Turró González, khi ấy là một cán bộ trẻ mới 25 tuổi của Đại sứ quán Cuba, đã hòa mình vào không khí vỡ òa của ngày Bắc - Nam sum họp.
Ông kể trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2023: Nhiều người đã khóc vì vui sướng và hô vang những khẩu hiệu cách mạng, hô vang “Việt Nam-Hồ Chí Minh". Các cán bộ của Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội khi ấy cũng đổ ra đường chung vui với người dân Việt Nam anh em, ôm lấy bất cứ ai họ gặp.
Nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam Fredesmán Turró González. (Ảnh: TTXVN) |
"Tôi nhớ người đầu tiên mình ôm hình như là anh lính cảnh vệ trước cửa Đại sứ quán. Sau đó, cùng với những công nhân Cuba đang xây dựng khách sạn Thắng Lợi, tôi ngồi trên xe tải đi qua các đường phố chính của Hà Nội, vẫy cờ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ca hát và bấm còi xe tải, hòa chung với người dân Việt Nam trong niềm vui khôn tả sau hơn một thế kỷ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc", ông kể.
Với ông González, ngày 30/4 là một dấu mốc phi thường: "Nhân dân Việt Nam, với chiến thắng 30/4, đã viết nên một trong những trang vẻ vang nhất của lịch sử đương đại".
Ông González từng hai lần đảm nhiệm cương vị Đại sứ Cuba tại Việt Nam. Với hơn nửa thế kỷ gắn bó, ông coi đất nước hình chữ S là quê hương thứ hai, nơi ông "sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
Nguồn: https://thoidai.com.vn/304-trong-ky-uc-ban-be-quoc-te-212496.html
Bình luận (0)