Cách đây ba năm, gia đình chị Lù Thị Mai là một trong những hộ đầu tiên của thôn Đông Tinh (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây rau, màu cho giá trị kinh tế cao. Từ khi chuyển đổi gia đình chị Mai đã tập trung gieo trồng 3 loại cây rau màu gồm: Cà chua, dưa chuột, bắp cải.
Chị Lù Thị Mai thông tin: “Với diện tích 7.000m2, mỗi năm tiến hành gieo trồng, chăm sóc luân canh 3 vụ, các loại rau màu đã mang về cho gia đình tôi khoảng 650 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí chăm sóc lợi nhuận thu được khoảng 350 triệu đồng”.
“Để có được kết quả như trên không chỉ cần tới việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trong gieo trồng, mà còn cần phải liên kết với một số đơn vị doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho nông sản”, chị Mai chia sẻ.
Anh Triệu Văn Hoà, đơn vị liên kết thu mua sản phẩm nông nghiệp tại địa phương cho hay: “Đơn vị chúng tôi đã ký kết việc bao tiêu sản phẩm dưa chuột với người dân tại xã Quyết Tiến, xã Tùng Vài của huyện Quản Bạ. Ngay từ khi vào vụ trồng dưa, đơn vị đã cung ứng giống, cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp lên địa bàn hướng dẫn các hộ trong chuỗi liên kết bao tiêu về cách trồng, chăm sóc cây dưa nhằm đảm bảo sản lượng, năng suất, chất lượng. Về giá thành của sản phẩm, đơn vị sẽ thu mua theo giá thị trường”.
Chỉ tính riêng vụ xuân hè năm 2024, huyện Quản Bạ đã triển khai được 03 mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra với các đơn vị doanh nghiệp. Tổng diện tích đất sản xuất trong các mô hình này là 335 ha thu hút 620 hộ gia đình tham gia. Cụ thể, với cây dưa chuột, toàn huyện có 150 ha đang tiến hành gieo trồng cho năng suất 35 tấn/ha, giá sản phẩm từ 5.000đ- 14.500đ/kg, tổng giá trị liên kết 26 tỷ đồng.
Với cây cà chua, toàn huyện có 162 ha, năng suất 35 tấn/ha, giá sản phẩm từ 5.000đ- 19.000đ/kg, tổng giá trị liên kết 28 tỷ đồng. Với cây ớt, toàn huyện có 22,8 ha, năng suất đạt 20 tấn/ha, giá sản phẩm thường trên 17.000đ/kg, tổng giá trị liên kết 7,7 tỷ đồng…
Ngoài ra, các đầu mối liên kết đã thu mua khoảng 11.300 tấn rau, củ, quả trên địa bàn huyện cung ứng về thị trường thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Nam Định… Đặc biệt, nông sản của huyện Quản Bạ đã được xuất khẩu sang một số quốc gia lân cận như: Lào, Campuchia, Thái Lan. Tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 62,3 tỷ đồng.
Thông tin với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: “Những năm gần đây, tại huyện Quản Bạ việc linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, mở cửa thị trường, áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn, hiệu quả đối với các sản phẩm nông nghiệp được thực hiện khá tốt. Điều này đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cũng nhấn mạnh, để đạt được những kết quả mong muốn, yếu tố “ngoại giao” nông nghiệp đã và đang được địa phương thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp, công ty tham gia vào chuỗi liên kết, từ đó tháo gỡ rào cản về khoa học, kỹ thuật, tạo động lực cho người dân yên tâm gieo trồng, sản xuất.
Vướng nhất hiện nay, là trình độ nhận thức của một số người dân tại các địa phương trên địa bàn huyện còn chưa đồng đều nên việc đồng loạt nhân rộng các mô hình còn là điều khó khăn, việc canh tác nhỏ lẻ cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm nông nghiệp khó trở thành hàng hóa. Vì vậy, huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục nghiên cứu có những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế từng vùng và tập quán khả năng canh tác của bà con hơn, qua đó giúp người dân chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Nguồn: https://baodantoc.vn/xay-dung-nen-nong-nghiep-hang-hoa-o-vung-cao-quang-ba-1724656424538.htm