Hải Hà có 5 xã thuộc vùng DTTS, miền núi, là Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong, Quảng Thịnh, Đường Hoa và xã đảo Cái Chiên. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với các sản phẩm OCOP của địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, xóa dần sự chênh lệch khoảng cách vùng, miền trên địa bàn.
Quảng Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Hải Hà, 98% dân số là người DTTS. Xã luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người dân phát triển KT-XH, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội...
Ông Đặng Tuấn Hiệp, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Sơn, cho biết: Triển khai Nghị quyết 06, xã đã đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với hoàn thành chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao. Trọng tâm hướng tới là sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP ứng dụng KHCN đảm bảo vệ sinh ATTP, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với Quảng Sơn, thời gian qua huyện Hải Hà đã tập trung nhiều biện pháp, lồng ghép nhiều chính sách để hỗ trợ người dân vùng DTTS trên địa bàn. Huyện đã phân công cụ thể các cơ quan, phòng, ban theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp với các xã triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch, đề án liên quan để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các xã này. Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ hộ đồng bào DTTS vay phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm đạt hơn 45 tỷ đồng. Cùng với đó, nhận thức của đồng bào DTTS có chuyển biến rõ nét, thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, doanh nghiệp như trước đây, nhiều gia đình đã tự đầu tư phát triển sản xuất.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu của ngành và dần hình thành các vùng sản xuất tập trung. Trong đó trồng trọt chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản, trồng cây ăn quả chất lượng cao, trồng ngô sinh khối, cỏ sinh khối; chăn nuôi phát triển ổn định chuyển dịch theo hướng chăn nuôi tập trung, toàn huyện hiện có 20 trang trại chăn nuôi với tổng quy mô 136,7ha. Ngành lâm nghiệp chuyển dịch sang kinh doanh rừng gỗ lớn, cây dược liệu, sản xuất hàng hóa tập trung (cây quế, cây dược liệu). Ngành thủy sản đã quy hoạch chi tiết 2 vùng nuôi trồng tập trung, từng bước chủ động về giống, kiểm soát dịch bệnh, góp phần tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản.
Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được xác định là chương trình phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn, nhất là đối với các xã vùng DTTS. Đến nay, toàn huyện có tổng số 40 sản phẩm OCOP; có 24 tổ chức, doanh nghiệp tham gia chương trình; 40/40 sản phẩm được đánh giá đạt từ 2 sao trở lên, 24 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, huyện Hải Hà đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển về KT-XH trên địa bàn. Huyện tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thu bình quân đầu người khu vực các xã vùng DTTS trên địa bàn huyện Hải Hà hiện nay đạt trên 73 triệu đồng/năm.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hai-ha-day-manh-san-xuat-nong-nghiep-vung-dtts-3352778.html
Bình luận (0)