Ngân vang tiếng đàn pơ lơn khơn
Cùng với cồng chiêng và một số loại nhạc cụ khác, đàn pơ lơn khơn thường được đồng bào Bana ở trong tỉnh sử dụng hòa tấu trong dàn nhạc. Được xem là loại nhạc cụ xuất hiện sớm trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Bana, đàn pơ lơn khơn được bà con gìn giữ thực hành trình diễn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân nhạc của người Bana.
Gìn giữ hồn của đại ngàn
Nghệ nhân nhân dân (NNND) Đinh Chương (85 tuổi), ở thôn K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) kể, thuở xa xưa, để xua đuổi chim muông thường đến quấy phá, hủy hoại nương rẫy, mùa màng, đồng bào Bana K’riêm dùng các loại cây gỗ gõ vào nhau tạo tiếng động để đuổi thú, bảo vệ những đám rẫy. Lâu dần, nhận thấy tiếng vang từ gỗ có nhiều thanh âm khác nhau, bà con đã sáng tạo ra cây đàn pơ lơn khơn. Từ đó, đàn pơ lơn khơn đã trở thành nhạc cụ gắn bó trong đời sống tinh thần của đồng bào Bana nói chung, Bana K’riêm nói riêng.
“Đàn pơ lơn khơn làm bằng các loại gỗ như hyam, klai, hơ rưng - những loại gỗ chắc bền, mối mọt không ăn, khi gỗ khô gõ vào kêu tiếng to và vang xa, âm thanh trong trẻo, thuận tai. Từ nguyên bản cây đàn pơ lơn khơn có 2 - 3 thanh đàn, dần dần bà con cải tiến làm thành cây đàn có từ 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 thanh để đàn cho ra nhiều âm điệu”, NNND Đinh Chương cho biết.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - nghệ nhân ưu tú Yang Danh, vỏ các loại cây hyam, klai, hơ rưng có vị đắng nhẩn, ngọt và có chất nhờn nên xưa kia phụ nữ Bana thường dùng để ăn trầu, cánh đàn ông đi rừng thường lột vỏ các cây này mang về cho vợ. Khi lấy vỏ các loại cây này không dùng phương pháp cạo gọt vỏ mà lấy cây dùi gõ đều trên thân cây làm cho lớp vỏ bong ra rồi mới lột vỏ.
Ở trong tỉnh, hiện nay số nghệ nhân người Bana biết làm đàn không nhiều, nhưng may mắn là còn nhiều người biết sử dụng đàn pơ lơn khơn. Chị Trần Thanh Sơn (40 tuổi, ở khu phố Định Thiền, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh)- thành viên ban nhạc dân tộc do nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng ở địa phương truyền dạy và thành lập, chia sẻ: “Đàn pơ lơn khơn cũng dễ chơi, nếu chịu khó học thì tầm vài tháng là có thể biểu diễn thuần thục. Cách đánh đàn pơ lơn khơn cũng giống như đàn tơ rưng. Hai tay cầm hai cây dùi gỗ đánh đàn, với những động tác đệm, vuốt, rung thanh đàn theo nhịp nhạc… Thanh đàn mỏng, ngắn hơn sẽ cho ra âm thanh trong vút; thanh đàn dày, dài dần ra thì cho ra âm thanh trầm hơn”.
Khi trình tấu, nghệ nhân cầm hai dùi gỗ gõ vào từng thanh đàn trên cây đàn pơ lơn khơn để cho ra những âm điệu khác nhau. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Bảo tồn bản sắc
Quan sát cây đàn pơ lơn khơn thấy cấu tạo đơn giản, với những thanh gỗ được buộc cố định vào giá đỡ bằng những sợi dây móc vào hai đầu mỗi thanh đàn, nhưng để làm ra một cây đàn pơ lơn khơn chuẩn âm thật không dễ dàng. Ông Đinh Nhin, một nghệ nhân làm đàn này ở thôn K8, xã Vĩnh Sơn, cho biết: “Công đoạn đầu tiên làm đàn pơ lơn khơn là đẽo gọt các thanh gỗ sau khi cắt khúc dài ngắn khác nhau. Tất cả thanh đàn hình chữ nhật được chuốt láng, trơn bóng tạo mặt phẳng ở giữa và hơi khum nhỏ dần ở hai đầu. Khi làm phải kiểm tra từng thanh đàn, nếu âm thanh trầm quá thì chuốt đoạn giữa để cho ra âm thanh cao, nếu âm thanh cao quá thì chuốt hai đầu đàn. Cứ thế chuốt từng thanh gỗ làm đàn cho đến khi tai mình nghe hợp với làn điệu dân ca truyền thống của người Bana K’riêm thì mới đạt”.
Với loại đàn pơ lơn khơn có 2 thanh đàn, người Bana đặt tên là mai đàn (hay chị đàn), các loại đàn từ 3 thanh đàn trở lên, bà con đặt tên được gọi từ thanh đàn lớn nhất đến thanh đàn nhỏ nhất, lần lượt là thanh mẹ, thanh chị, thanh cây đàn nhỡ, thanh con theo mẹ, thanh con theo chị, thanh con theo cây đàn nhỡ, thanh con út… Khi biểu diễn đàn pơ lơn khơn được treo trên giá đỡ, các thanh đàn sắp xếp như một hình thang cân, đáy đàn là đoạn cây to nhất, có độ dài thường là 1,2 m (thanh mẹ), rồi tiếp đến là các đoạn cây ngắn hơn và nhỏ dần.
Nghệ nhân Đinh Phin, ở thôn T4, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), cho biết: “Khi buộc từng cặp dây vào các thanh đàn phải theo thứ tự từ trên xuống dưới, bắt đầu từ thanh lớn nhất đến thanh nhỏ nhất, đảm bảo các vòng dây song song đều nhau. Sau khi buộc dây xong, tiến hành điều chỉnh các đầu dây về phía hai đầu từng thanh đàn, rồi lấy dùi gõ thử để tiếp tục điều chỉnh sao cho âm thanh phù hợp thì mới diễn tấu được”.
Trong những dịp lễ hội của đồng bào Bana, tiếng đàn pơ lơn khơn hòa âm cùng với tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn tơ rưng rộn vang, hòa cùng những làn điệu dân ca Bana trữ tình, điệu múa xoang uyển chuyển, rực rỡ trong trang phục thổ cẩm truyền thống đã tạo nên bản hợp ca giữa đại ngàn.
***
Để thanh âm đàn pơ lơn khơn, cũng như các nhạc cụ dân tộc luôn vọng mãi trong đời sống văn hóa của đồng bào Bana, ngoài sự tâm huyết nỗ lực truyền dạy của các nghệ nhân, tỉnh Bình Định cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, thông qua việc tổ chức tập huấn dân ca, dân vũ, dân nhạc; hỗ trợ nhạc cụ dân tộc; tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc miền núi… để khuyến khích, động viên tinh thần đồng bào Bana nói riêng, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=354188
Bình luận (0)