Nhiều trẻ ở TP HCM bị xâm hại bởi những người có học thức, địa vị xã hội; địa điểm không còn khu vực vắng vẻ mà ở nơi công cộng của chung cư, trường học, công viên.
Nội dung được UBND TP HCM nêu trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 121 của Quốc hội về chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến tháng 4/2023, thành phố ghi nhận 326 trẻ bị xâm hại. Số vụ có giảm nhưng tính chất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; hình thức xâm hại gồm bạo hành, đánh đập và tình dục. Nạn nhân ở độ tuổi 10-16, phần lớn là bé gái. Người xâm hại trẻ em không chỉ là lao động phổ thông, trình độ thấp mà còn cả những người nghề nghiệp ổn định, trình độ cao, địa vị xã hội.
Theo báo cáo, phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới. Hầu hết trẻ bị xâm hại bởi người quen biết như hàng xóm, họ hàng, bạn của gia đình… Thủ đoạn của những người này là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình, dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi.
Nếu như lúc trước hành động xâm hại trẻ em thường xảy ra ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, thì gần đây việc này diễn ra nơi công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.
Trẻ ở nhà trọ, nông thôn, chung cư cao cấp, sống cùng cha dượng hoặc các gia đình xảy ra tình trạng bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng chất kích thích… có nguy cơ bị xâm hại cao.
Chính quyền thành phố kiến nghị bộ ngành trung ương có chính sách thu hút nhân viên công tác xã hội làm việc trong các trường học, tại địa bàn dân cư. Việc này nhằm tăng nguồn nhân lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan bảo vệ trẻ em.
TP HCM hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em, chiếm gần 19% dân số. Trong đó, hơn 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 19.500 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng.
Lê Tuyết