Bắt nhịp xu hướng tạo động lực tăng trưởng mới, bền vững từ kinh tế di sản, ngành Du lịch đang tập trung các giải pháp liên kết, huy động nguồn lực để mở ra cơ hội bảo tồn và phát huy các giá trị của Kỳ quan-Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Hơn 1 năm trôi qua kể từ khi UNESCO thông qua hồ sơ đề cử quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng) ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới, đưa Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam đã góp phần tạo sức hút của di sản lớn hơn.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được mệnh danh là “hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ”, bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la. Nơi đây được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của trái đất với minh chứng là sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo.
Việc mở rộng ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới mang lại nhiều giá trị cho hai địa phương, cũng như, đặt Quảng Ninh và Hải Phòng trước cơ hội liên kết, hợp tác để cùng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Phát biểu tại cuộc làm việc thường niên giữa hai địa phương vào đầu tháng 12/2024, ông Bùi Tuấn Mạnh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) cho biết: Tỉnh Quảng Ninh cũng như TP Hải Phòng đã liên kết ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phối hợp quản lý Di sản. Trước xu thế liên kết vùng, hợp tác cùng phát triển, hai bên đã cùng nhau tháo gỡ những bất cập, khó khăn liên quan trong việc phát triển du lịch giữa hai địa phương, từ liên kết trong quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến đến phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường kinh doanh. Hai địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước với hoạt động của phương tiện vận chuyển hành khách, khách du lịch trên Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ; hoàn thiện phương án để thống nhất thời gian vận chuyển khách, tăng thời gian tham quan, lưu trú và bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường biển giữa Hạ Long và Cát Bà.
Việc phát triển kinh tế di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà không chỉ dừng ở công tác bảo tồn mà còn xây dựng các các tour, tuyến, hành trình mới dựa trên giá trị của di sản để phát triển kinh tế, hai địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong tham mưu, đề xuất mở thêm hành trình tham quan du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 2 tuyến kết nối với Quần đảo Cát Bà của TP Hải Phòng, gồm: Hành trình VHL5 từ Hạ Long đi động Thiên Cung – hang Đầu Gỗ – hòn Chó Đá – Ba Hang – hòn Đỉnh Hương – Hòn Trống Mái – bến Gia Luận, Cát Bà; hành trình VHL6 từ Hạ Long đi Chân Voi – Vụng Ba Cửa – đảo Tùng Lâm – hòn Cặp Bài (điểm cuối của hành trình tiếp giáp với Gia Luận, Vịnh Lan Hạ, TP Hải Phòng).
Với sự nỗ lực của 2 địa phương, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà tiếp tục là điểm đến du lịch được đông đảo khách tham quan lựa chọn. Từ đầu năm 2024 đến 31/10/2024, Vịnh Hạ Long đón trên 2,6 triệu lượt khách (trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế), ước đến hết năm 2024, đón tiếp khoảng 3,1 triệu lượt khách tham quan. Quần đảo Cát Bà đón tiếp trên 1 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 650.000 lượt khách quốc tế.
Vịnh Hạ Long – tâm kết nối
3 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long không ngừng được phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối với các điểm đến lân cận, các điểm đến vệ tinh để mang đến những trải nghiệm đa dạng cho du khách. Trong đó, “Hành trình di sản” vừa ra mắt tháng 5/2024 của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận là một trong số 11 sản phẩm du lịch mới của khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và là một trong số 62 sản phẩm du lịch mới của tỉnh đăng ký hoạt động trong năm 2024 này. Đây cũng là hải trình đầu tiên kết nối du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Ông Lương Hữu Tuyên, Phó Giám đốc Việt Thuận Group, chia sẻ: Với “Hành trình di sản” kết nối Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, chúng tôi kỳ vọng mang lại cho du khách trải nghiệm trọn vẹn nhất về các hình thái, giá trị địa chất địa mạo, đa dạng sinh học, giá trị về văn hóa lịch sử quý báu của Vịnh Hạ Long, đánh thức mạnh mẽ tiềm năng du lịch của Vịnh Bái Tử Long. Đặc biệt, hành trình chính là sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch về dịch vụ lưu trú cao cấp trên tàu thuỷ du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, tiếp tục cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch mới lạ, hấp dẫn, sang trọng, bền vững, tăng tính cạnh tranh cho điểm đến Hạ Long, Vân Đồn. Qua đó, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong cách làm sản phẩm của tàu du lịch ngủ đêm cao cấp trên vịnh gắn với bảo vệ giá trị bền vững của di sản và vùng biển đảo Quảng Ninh.
Bà Kim So Huyn (du khách Hàn Quốc) chia sẻ: Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và hệ sinh thái biển phong phú, hành trình tham quan Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long là điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn hòa mình vào thiên nhiên, khám phá văn hóa độc đáo, đa dạng của vùng biển đảo. Đặc biệt, trong hải trình, chúng tôi còn được xem trình chiếu phim về lịch sử hình thành phát triển của Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và triển lãm văn thơ, tư liệu lịch sử về Vịnh Hạ Long. Qua đó, giúp chúng tôi không chỉ được thấy Hạ Long bằng hình ảnh mà còn cảm nhận mà còn hiểu sâu sắc hơn giá trị văn hóa, lịch sử của kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Không chỉ có hải trình kết nối Vịnh Hạ Long-Vịnh Bái Tử Long, riêng về du lịch biển đảo, ngành Du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai hàng loạt các tour, tuyến kết nối các điểm du lịch biển đảo nổi tiếng của Quảng Ninh. Năm 2020, tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô tại Quyết định số 4686/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Việc kết nối các điểm đến hấp dẫn, giàu tiềm năng tạo thành một không gian lớn, chứa đựng một kho tàng giá trị khổng lồ phục vụ hoạt động du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức các tour du lịch liên hoàn, kết nối Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô với nhau, với Hạ Long và các vùng phụ cận.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng tại Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) nhằm kết nối không gian du lịch di sản, trong đó, Vịnh Hạ Long là trung tâm. Qua đó, phát huy tối đa những lợi thế trong kết nối không gian di sản để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng.
Trong quá trình phát triển kinh tế di sản, việc liên kết luôn là một giải pháp để tạo nên sức mạnh không chỉ trong công tác bảo tồn mà còn trao đổi kinh nghiệm, xây dựng hình ảnh thương hiệu của địa phương. Đây cũng là giải pháp được ngành Du lịch Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Không chỉ kết nối các di sản trong tỉnh, Quảng Ninh còn kết nối với các di sản khác của Việt Nam thông qua “Con đường di sản thế giới” của Việt Nam: Vịnh Hạ Long – Hoàng thành Thăng Long – Tràng An – Thành nhà Hồ – Phong Nha Kẻ Bàng – Cố đô Huế – Phố cổ Hội An – Thánh địa Mỹ Sơn tạo thành một tuyến du lịch đặc sắc. Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh cũng nằm trong Câu lạc bộ Di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được thành lập vào năm 2013. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các di sản thế giới của Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Đồng thời, duy trì mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Câu lạc bộ với đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn ở Việt Nam và giữa các di sản thế giới ở Việt Nam với các di sản khác trên thế giới.
Trong khu vực, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam) cùng với thành phố di sản văn hóa thế giới Luang Prabang (Lào); di sản văn hóa khu khảo cổ học Ban Chiang (Udonthani, Thái Lan) đã tạo nên “tam giác di sản”. Thông qua chương trình hợp tác kết nối “tam giác di sản”, các tour, tuyến du lịch giữa các địa phương đã được hình thành. Đặc biệt, sự kết nối trên đường bộ, đường hàng không đã tạo điều kiện để du khách đến cả ba điểm của tam giác di sản được thuận lợi.
Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, dự án tam giác di sản thế giới giữa ba tỉnh được bắt đầu từ năm 2006, các bên đã hợp tác nhằm thúc đẩy quảng bá hình ảnh du lịch, kết nối các di sản, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp mỗi bên khi đưa khách đến đầu tư tại các bên đối tác. Bên cạnh đó, thúc đẩy các hoạt động kết nối các khu di sản thế giới thông qua cử đoàn đại biểu cấp cao tham gia hội đàm cấp cao; khuyến khích doanh nghiệp du lịch địa phương cùng nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác và thiết kế tuyến du lịch trong “tam giác di sản”. Đồng thời, nỗ lực hỗ trợ trong công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch của nhau và phát triển nhân lực du lịch.
Trong những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung luôn nỗ lực kết nối với các tổ chức của UNESCO, phát huy tốt vai trò tại các tổ chức, câu lạc bộ, diễn đàn mà Vịnh Hạ Long tham gia và là thành viên như: Mạng lưới các nhà quản lý di sản thế giới biển, Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới, mạng lưới G20 các quốc gia có kỳ quan được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới (New7Wonders)…. Đồng thời, duy trì và mở rộng, giữ mối quan hệ mật thiết với các tổ chức quốc tế (Trung tâm di sản thế giới, Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Mạng lưới các nhà quản lý di sản thế giới biển, Văn phòng UNESCO Hà Nội… và các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý di sản.
Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ hội để trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý di sản, như: Xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên trên Vịnh Hạ Long có sự tham gia của người dân địa phương; thiết lập hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh Hạ Long về bờ xử lý sử dụng nhiên liệu sinh học và xây dựng mô hình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí “Cánh buồm xanh”; xây dựng các bộ tiêu chí giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị Di sản; lắp đặt bổ sung hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Jokaso tại đảo Đầu Gỗ; tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn, ra quân thu gom rác thải ven bờ và ở các chân đảo…
Liên kết và hợp tác để phát triển là xu thế tất yếu hiện nay, Vịnh Hạ Long đang đứng trước những thử thách và cả những cơ hội mới để vừa thu thập được những kinh nghiệm quý giá trong bảo tồn, bảo vệ di sản, vừa có thêm những nguồn lực mới trong nhiều mặt để khai thác, phát huy giá trị của di sản. Vì vậy, Quảng Ninh sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác truyền thông giữa tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước để tăng cường quảng bá thường xuyên hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh, nhất là trên các nền tảng số với sự đa dạng ngôn ngữ và các hãng truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa thông qua các hoạt động đối ngoại với các địa phương, tổ chức quốc tế mà tỉnh có quan hệ hợp tác, qua các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch…, qua các ấn phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật để tăng cường quảng bá hệ giá trị Quảng Ninh, hệ giá trị con người, tiềm năng và thế mạnh, điểm đến đầu tư, du lịch hấp dẫn, thân thiện của Quảng Ninh với bạn bè quốc tế. Đây là một trong những giải pháp để hướng tới kinh tế di sản là động lực tăng trưởng mới, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế địa phương và quốc gia.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/vinh-ha-long-hanh-trinh-ket-noi-cac-di-san-3335909.html