Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số, trong khi nước thu nhập cao đạt trung bình 99,4%.
-
17h00
Phiên chất vấn chiều 7/11 kết thúc. Sáng mai, Quốc hội tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao du lịch, y tế, lao động, thông tin và truyền thông.
-
16h55
Sẽ đạt mục tiêu phủ sóng 5G năm 2030
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Phó đoàn Tiền Giang) đặt câu hỏi: Việt Nam có chủ trương phát triển thuê bao di động trực tuyến hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đến nay đã phủ sóng mạng 4G đạt 99,8% dân số, nên đến 2025 sẽ đạt mục tiêu phủ sóng toàn bộ. Cuối năm nay, tần số 5G sẽ được đấu giá. Thuận lợi là nhà mạng lắp đặt trạm phát sóng 5G trên hạ tầng cũ nên đầu tư giảm, thời gian triển khai nhanh. “Năm 2030 sẽ đạt mục tiêu phủ sóng mạng 5G, tôi nghĩ có thể nhanh hơn”, ông Hùng nói.
Việc đăng ký thuê bao ở vùng sâu gặp khó khi khoảng cách đến trụ sở nhà mạng xa. Bộ đang nghiên cứu hình thức đăng ký trực tuyến nhưng phải đảm bảo chính xác, không có sim rác. Hình thức này sẽ được đưa vào nghị định trong năm sau, trong đó quy định đăng ký thuê bao trực tuyến.
-
16h50
Đề nghị xử lý người bôi nhọ phim Đất rừng phương Nam
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM) đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội bạo hành. Bà Châu dẫn hai ví dụ là hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam “bị cộng đồng mạng dập cho tơi bời”. “Vậy lúc đó ai bảo vệ họ, cách bảo vệ thế nào hay chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn. Góp ý theo kiểu đập cho chết chứ không phải đập cho chừa là rất nguy hiểm”, bà Châu chất vấn.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử đội ngũ văn nghệ sĩ làm nghệ thuật trên mạng xã hội.
Về nội dung có liên quan đến phim Đất rừng phương Nam, hội đồng thẩm định phim đã được cấp phép và không vi phạm pháp luật. “Dư luận có ý kiến cho rằng phim có biểu hiện này, biểu hiện khác là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong nghị định sắp tới. Đây là nghị định căn bản, trong đó quy định xử lý việc xâm hại đời tư, có thiết chế hỗ trợ người dân.
Bộ cũng đã lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia. “Tôi nghĩ rằng cần lập các trung tâm xử lý các tỉnh, bởi hầu hết hoạt động cuộc sống đều có trên không gian mạng”, ông nói.
Bộ trưởng Hùng cũng đề nghị thực thi pháp luật nghiêm minh, cần xử lý hình sự những vụ việc bị xâm hại nghiêm trọng, “như việc xử lý bà Phương Hằng mang tính răn đe cao”.
“Giải pháp căn cơ là cần xây dựng văn hóa số. Không gian mạng là môi trường mới với con người. Chúng ta sống trong môi trường thực nhiều chục nghìn năm mà vẫn còn có vấn đề, huống chi mới tham gia không gian mạng chừng 20 năm”, Bộ trưởng Hùng nói, cho biết đã xây dựng nền tảng đào tạo kỹ năng, tăng sức đề kháng cho người dân trên mạng xã hội.
-
16h30
Việt Nam sẽ xây dựng mô hình ‘3 nhà’ trong phát triển khoa học, công nghệ
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Phó đoàn Tiền Giang) cho rằng nhiều kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng nhưng chưa được chuyển giao, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng do thiếu kinh phí thực hiện. “Đề nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết giải pháp tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ?”, ông Tâm chất vấn.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói câu hỏi của đại biểu nêu những vấn đề ngành khoa học, công nghệ đang trăn trở. Bộ trưởng cho biết, vừa qua bộ đã làm việc với các địa phương, viện, trường để kết nối việc nghiên cứu khoa học của các trường với nhu cầu, ứng dụng thực tế của địa phương.
“Những nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường và địa phương, cùng nhau xây dựng chương trình nghiên cứu giải quyết yêu cầu bức thiết của địa phương”, ông nói.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, hiện nhiều nước trên thế giới đang ứng dụng hiệu quả mô hình liên kết giữa trường, viện và doanh nghiệp. Chẳng hạn, Hà Lan có mô hình “ba nhà”, gồm Nhà nước – doanh nghiệp và trường, viện. Trong mô hình này, Nhà nước tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây cũng là mô hình Việt Nam đang có chủ trương xây dựng trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng cũng cho biết hiện khoa học đóng góp 30% trong phát triển ngành nông nghiệp. Để liên kết giữa ngành nông nghiệp và khoa học, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết phối hợp hoạt động để triển khai hoạt động công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt công nghệ cao.
Liên quan tới kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong chương trình nông thôn mới, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ làm việc với Bộ Tài chính để chương trình được bố trí kinh phí.
-
16h25
Việt Nam đạt tỷ lệ phủ sóng 4G hơn cả nước thu nhập cao
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng) chất vấn lời hứa Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tại kỳ họp 4 về khẳng định sẽ chỉ đạo các nhà mạng có giải pháp phủ sóng triệt để các thôn bản, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc. Bộ trưởng hứa phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, hết năm 2023 có hoàn thành được mục tiêu này không? Đồng thời cho biết giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu này?”, bà An nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói từ năm 2021, khi xảy ra Covid-19, Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành chương trình Sóng và máy tính cho em. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng, Sở Thông tin Truyền thông rà soát từng vùng trên cả nước, cả những nơi chỉ có vài chục nóc nhà, để tiến hành phủ sóng ở những vùng lõm sóng.
Đến nay, 2.100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số. Nước thu nhập cao, trung bình chỉ đạt 99,4%. Năm 2023, các địa phương có phát hiện thêm và xác định còn 420 điểm lõm sóng để phủ tiếp. “Chúng tôi đã đưa số này vào kế hoạch và sử dụng quỹ viễn thông công ích để hoàn thành trước tháng 6/2024”, ông Hùng cho hay.
Đại biểu Tao Văn Giót (Bí thư Đoàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) lo ngại thực trạng quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng trên các mạng xã hội. Quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của truyền hình quốc gia, bệnh viện, Bộ Y tế. Ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ”, đại biểu Giót nêu câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên Internet chủ yếu thông qua nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Bộ đã đạt được cơ chế làm việc với các mạng xã hội này về tháo gỡ thông tin sai sự thật, quảng cáo, thông tin xấu độc và thể chế hóa trong văn bản pháp luật. Hiện nay, tỷ lệ thực thi yêu cầu quản lý Nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội rất nghiêm.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng giải pháp căn cơ vẫn là “phát hiện, báo cáo để tháo gỡ”. Bộ ngành nào, địa phương nào, quản lý cái gì trong thế giới thực thì di chuyển trên không gian mạng cần quản lý cái đó. Theo Bộ trưởng, hiện các bộ ngành, địa phương thể hiện vai trò quản lý trên không gian mạng chưa nhiều, nhiều khi cho rằng đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin Truyền thông hoặc Bộ Công an. “Ví dụ như thuốc, thực phẩm chức năng, quảng cáo đúng hay sai thì thuộc trách nhiệm Bộ Y tế”, ông nói.
-
16h20
Đưa trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc UBND huyện
Chất vấn Bộ trưởng Y tế, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Phó đoàn Lai Châu) dẫn Nghị quyết giám sát yêu cầu thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở từng khu vực, địa bàn.
Ngay sau khi có Nghị quyết Quốc hội, đội ngũ viên chức y tế cơ sở rất mong chờ cơ quan có thẩm quyền sớm hướng dẫn thực hiện để ổn định tổ chức bộ máy và yên tâm công tác. Ông Khánh đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết việc thực hiện hai nội dung trên đến đâu và bao giờ thì thực hiện xong?
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói mô hình trung tâm y tế cấp huyện thời gian qua có nhiều lần thay đổi. Tại báo cáo giám sát tối cao về chính sách cơ sở của Quốc hội đã nêu những việc làm được và chưa làm được của mô hình này.
Theo bà Lan, cần sắp xếp trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc UBND huyện đảm bảo quản lý thống nhất về nhân lực, bộ máy. Bên cạnh đó cần đảm bảo chỉ đạo về chuyên môn của Sở Y tế. Gần đây, chỉ thị 25 của Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu đưa trung tâm thuộc UBND tỉnh. Việc này cần hoàn thành trước 1/7/2025. Để triển khai, Bộ Y tế đang rà soát lại chức năng trung tâm y tế huyện để ban hành theo thẩm quyền.
-
Sẽ thể chế hóa việc xác thực danh tính fanpage
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An) nói hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên Facebook, đạt hiệu quả trong tuyên truyền nhưng chưa được cấp tài khoản chính thống. Đại biểu Sinh đề nghị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông có giải pháp hỗ trợ định hướng và chính thống hóa các trang này.
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều tổ chức đã có trang fanpage trên mạng xã hội và có mong muốn chính thức hóa các trang này. Hiện một số nền tảng mạng xã hội hỗ trợ chức năng này, như Facebook cấp tích xanh khi cung cấp các thông tin xác thực. Tuy nhiên, không phải tất cả mạng xã hội có chức năng này.
“Bộ đã làm việc với các nền tảng mạng xã hội, và cơ bản đến hết năm nay các nền tảng sẽ cung cấp chức năng xác thực. Bộ cũng sẽ thể chế hóa việc này trong Nghị định ký vào cuối năm nay về nội dung trên Internet”, ông Hùng cho hay.
-
16h00
Học sinh nữ tham gia bạo lực học đường ngày càng nhiều
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội có đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. “Vậy theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, có những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?”, ông Thắng chất vấn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ. “Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường. Số vụ bạo lực có học sinh tham gia xảy ra cả trong và ngoài trường học. Học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó việc phát hiện và xử lý bạo lực học đường hiện giao cho giáo viên, một số hiệu trưởng và giáo viên khi phát hiện còn lúng túng trong xử lý.
Theo thống kê của TAND Tối cao, hằng năm có 70-80% vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Vì vậy, học sinh vừa chứng kiến bạo lực, vừa có thể bị bạo lực. Hai việc này có liên quan đến nhau, nên cần ngăn chặn bạo lực từ gia đình. Phim ảnh bạo lực cũng ảnh hưởng đến giới trẻ với motip bạo lực khác nhau.”Qua thời gian dịch bệnh, học sinh học trực tuyến lâu ngày nên có vấn đề về tâm lý, cộng với tâm sinh lý lứa tuổi trưởng thành, có thể là nguyên nhân nảy sinh bạo lực học đường”, Bộ trưởng Sơn nói.
-
15h55
‘Giáo viên mong xã hội, phụ huynh chia sẻ khó khăn’
Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Phó đoàn Bình Định), vừa qua Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo có gặp gỡ, trao đổi với khoảng một triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay và nêu hướng giải quyết.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc trung học cơ sở, dấu mốc quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Nhưng hiện nay, khi kết thúc chương trình trung học cơ sở, học sinh không thi mà xét tốt nghiệp, trong khi kết thúc trung học phổ thông thì lại thi tốt nghiệp.
“Có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp trung học phổ thông. hay không”, đại biểu đặt vấn đề.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói ngày 15/8, trước thềm năm học, ông tổ chức gặp gỡ trực tuyến với một triệu giáo viên. Hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến được gửi đến, hầu hết đồng tình xu hướng đổi mới giáo dục mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang dẫn dắt.
Các nhà giáo đều nhận thấy đây là thách thức rất lớn, kỳ vọng lớn của xã hội và đều rất quyết tâm để vượt qua. Bên cạnh đó, nhà giáo cũng tâm tư “thách thức thì lớn nhưng đời sống của nhà giáo để thực hiện các đổi mới còn khó khăn”.
Giáo viên trẻ mới vào nghề có mức lương thấp, giáo viên vùng sâu vùng xa còn khó khăn điều kiện cơ sở vật chất, nhà công vụ. “Giáo viên rất mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc mà họ đang đảm nhận; mong muốn có sự cải thiện về lương, đời sống”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói rất mừng khi trong nhiều phiên họp Quốc hội, vấn đề lương và đời sống giáo viên đã được đề cập; Bộ Nội vụ và Chính phủ đã thấu hiểu điều này và đang tìm cách tháo gỡ.
Về ý kiến thay đổi phương thức tuyển sinh THPT và THCS, ông Sơn nói đây là một cách nhìn. Bậc THCS là giai đoạn giáo dục mang tính nền tảng, cơ sở, tích hợp để trang bị kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Còn bậc THPT tăng yếu tố phân luồng, hướng nghiệp và chủ động lựa chọn cho học sinh.
Thực tế, học sinh và phụ huynh đồng tình cần giảm các kỳ thi khi kết thúc THCS chuyển sang THPT. Tuy nhiên, kết thúc THPT dẫu là phân luồng hướng nghiệp nhưng đánh dấu mốc kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết và điều này được quy định trong luật giáo dục 2019.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích và bản chất là để tốt nghiệp, nhưng thực tế còn lấy kết quả làm căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. “Nên kỳ thi vẫn được tổ chức trong những năm tới”, ông Sơn nói.
Vnexpress.net