Chụp đìa (đìa còn gọi cái ao, có độ sâu khoảng 2,5m, ngang khoảng 7-10m). Đây là một trong những phương pháp thu hoạch cá đồng truyền thống, rất phổ biến và độc đáo của nông dân Cà Mau mà không phải nơi đâu cũng có được.
Theo người dân địa phương, chụp đìa thường vào khoảng tháng 12 âm lịch hàng năm. Trước khi tiến hành chụp đìa một ngày, người dân sẽ kiểm tra kỹ xung quanh đìa để khi bị động cá không thoát ra ngoài được.
Kế đó, dọn cỏ, nhổ chà cắm trong đìa để chuẩn bị xuống giàn lưới (được làm bằng chỉ ni-lon). Rồi dùng một tấm lưới rộng hơn miệng đìa bao phủ toàn bộ mặt nước. Đến ngày bắt cá, người dân sẽ hạ tấm lưới xuống cách đáy ao khoảng 0,5m, rồi dùng những nhánh cây có nạn để ghim viền lưới dính vào thành đìa.
Sau đó, chờ khoảng gần 3h đồng hồ, khi thấy cá chui lên trên và nằm gọn trên mặt lưới, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai dày và sâu hơn để không cho cá chui ngược trở xuống đáy đìa, rồi ghim vào thành đìa.
Cuối cùng, chỉ cần vài nhân công là thanh niên có sức khỏe kéo hai viền lưới một đầu lên khỏi mặt đìa và ghim cố định chặt trên bờ. Đầu kia kéo lưới gom cá về đầu đã cố định, rồi phân loại cá lớn nhỏ để dùng vợt để xúc cá lên.