Giọt nước mắt nơi xứ người và sức bật đáng nể của cô gái nghèo

(Dân trí) - Sau 4 năm làm việc tại Nhật Bản, nữ công nhân Nghiêm Thị Linh đã nắm bắt cơ hội học tiếng Nhật, tiếng Trung để "săn" được học bổng, tiếp tục con đường học vấn cao hơn.

Báo Dân tríBáo Dân trí14/02/2025

Nghiêm Thị Linh hiện là sinh viên năm 3 trường đại học danh giá - Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (BFSU), Trung Quốc - theo diện học bổng toàn phần. Ít ai biết cô có xuất phát điểm là thực tập sinh tại Nhật Bản, đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng 3 năm.

"Nhà mình nghèo quá, con muốn đi kiếm tiền"

Tại vùng quê Nam Sách, Hải Dương, kinh tế gia đình Linh vốn rất khó khăn. Bố mẹ làm nông nghiệp, thu nhập không đáng là bao. Sau 16 năm nỗ lực chạy chữa hiếm muộn của đôi vợ chồng nông dân, Linh được sinh ra trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình. Cũng từng ấy năm theo đuổi mụn con, kinh tế gia đình vì vậy mà kiệt quệ.

Dưới Nghiêm Linh còn hai em nhỏ. Những ngày Linh theo học tại quê nhà, bố mẹ cô đã phải chật vật để nuôi các con. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô gái 18 tuổi suy nghĩ rất nhiều.

Trong lòng cô khao khát được đi học tiếp, nhưng kinh tế gia đình không cho phép. "Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi có nói với bố mẹ rằng sau khi tốt nghiệp xong tôi sẽ đi làm kiếm tiền, vì nhà mình nghèo quá", Linh nghẹn lại.

Những năm trước đây, Linh là thực tập sinh tại Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Sau khi được người quen tư vấn, gia đình đã quyết định cho Linh đi làm việc ở Nhật theo diện thực tập sinh. Nhiều tháng trước khi đi, cô gái nhỏ lao vào học tiếng Nhật từ sáng đến tối, chuẩn bị hành trang duy nhất đến đất nước cách xa hàng nghìn dặm bay.

Năm 2017, lần đầu tiên xa nhà, lần đầu tiên ngồi trên máy bay đến một đất nước xa lạ, cảm xúc trong cô gái bé nhỏ thật khó tả. Cuộc sống ở vùng quê nghèo quá đỗi bình yên, Linh không thể tưởng tượng được công việc sắp tới ra sao. Trong sự hỗn độn đó, động lực duy nhất là gia đình giúp cô bừng tỉnh.

Cô làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô tại Nhật Bản. Nhiệm vụ của nữ công nhân là đứng kiểm hàng - khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất. Ngoài làm việc 8h/ngày, cô cũng có thời gian tăng ca.

Lúc mới sang Nhật, Linh cảm thấy hẫng hụt và khó khăn vô cùng. "Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ đã khiến tôi bị sốc. Tôi chưa bao giờ làm công việc nhàm chán và phải đứng lâu đến vậy mỗi ngày, trong khi bản thân tôi là người hoạt bát, thích bay nhảy", Linh chia sẻ.

1 tháng ròng rã, Linh không thể chợp mắt dù có mệt nhoài sau một ngày dài làm việc. Trong tâm trí cô chỉ thấy phủ kín nỗi buồn nản, tuyệt vọng, thậm chí chỉ nghĩ đến chết chóc.

"Ngày nào tôi mất ngủ thì bố mẹ ở quê cũng không thể chợp mắt. Lúc đó, gia đình là chỗ dựa động viên, là động lực để tôi cố vượt lên. Mãi về sau tôi mới hiểu khi đó mình đã bị trầm cảm", Linh nói.

Những tháng ngày Linh đã miệt mài làm việc trong nhà máy (Ảnh: NVCC).

Dần dần, những người bạn Việt Nam tại đây cũng giúp cô vượt qua những khó khăn ban đầu. Trừ hết các chi phí, chi tiêu thật tiết kiệm, Linh cũng tích lũy được 20 triệu đồng/tháng để gửi về quê nhà.

Sau khi đã thích nghi với môi trường làm việc mới, nữ công nhân còn tìm được động lực từ quá trình học tập, bồi dưỡng tiếng Nhật. Trước khi đi theo diện thực tập sinh, cô gái đã có niềm yêu thích với ngôn ngữ thứ hai này.

"Có những ngày 21h tôi mới về được đến kí túc xá. Nhưng 22h tôi sẽ ngồi vào bàn học tiếng Nhật. Tôi dành 2-3h/ngày để rèn giũa thêm ngôn ngữ này. Những lúc cô đơn, nản chí, việc học tiếng Nhật đã giúp tôi thấy giải tỏa, cân bằng hơn", Linh cho hay.

Bước ngoặt cuộc đời

Tại đất nước mặt trời mọc, mô hình trung tâm giao lưu văn hóa giúp cho người nước ngoài sinh sống tại thị trấn có cơ hội được học hỏi thêm tiếng Nhật do người bản địa giảng dạy. Nếu trước đây chỉ có duy nhất cuốn sách tiếng Nhật, thì đến nay cô đã có hành trang học tập đáng nể.

Cần mẫn học tiếng Nhật chính là động lực lớn lúc bấy giờ của Linh. Chỉ sau 4 tháng ,cô gái này đã thi đỗ chứng chỉ JLPT (Japanese Language Proficiency Test, chứng chỉ đánh giá trình độ tiếng Nhật) cấp độ N3. 1 năm sau, cô vượt qua kỳ thi JLPT N2.

Không dừng lại ở đó, Linh tiếp tục kiên trì ôn luyện để đạt được chứng chỉ JLPT N1 - cấp độ khó nhất trong 5 cấp độ năng lực ngoại ngữ tiếng Nhật.

Tận dụng mọi cơ hội, Nghiêm Linh đã giành học bổng toàn phần của một trường đại học ở Trung Quốc (Ảnh: NVCC).

"Lúc không bên cạnh gia đình, quá trình học tiếng Nhật Bản là động lực giúp tôi vượt qua tất cả. Càng học tôi càng đam mê với ngoại ngữ này. Qua đó, tôi cũng được tiếp xúc với nhiều bạn bè, thầy cô hơn", Linh cho hay.

Trước đây, Linh có ý định sau 3 năm làm việc ở Nhật Bản sẽ về quê kinh doanh với số tiền đã tích lũy. Sau khi sở hữu những chứng chỉ cao nhất về tiếng Nhật, cô đã chuyển hướng, săn học bổng để có cơ hội học tập rộng mở hơn. Cô quyết tâm "không thể làm công nhân cả đời".

Do dịch Covid-19, cô được gia hạn thêm 1 năm làm việc tại Nhật Bản. Trong thời gian này, cô quen anh Chu Dương (Trung Quốc). Người này gợi ý giúp cô học thêm một ngoại ngữ nữa. Linh cho biết: "Sau khi được anh ấy ngỏ lời dạy miễn phí, tôi nghĩ đây là cơ hội mới nên rất vui mừng".

Vì có lợi thế học ngoại ngữ, nên cô gái học tiếng Trung cũng rất nhanh. Năm 2021 trở về nước, Nghiêm Linh đã dành toàn thời gian học tiếng Trung, để chuẩn bị hành trình mới của mình.

"Lúc đầu tôi cũng nghĩ quay lại Nhật Bản theo diện du học sinh. Tuy nhiên đã có thời gian dài ở đó, nên tôi cũng mong mỏi tìm được môi trường mới. Vì vậy, tôi quyết định săn học bổng tại một trường đại học ở Trung Quốc", Linh chia sẻ.

Sau thời gian ôn thi HSK (kỳ thi kiểm tra trình độ Hán ngữ dành cho người nước ngoài, do Trung tâm Khảo thí Hán ngữ quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức hàng năm), Linh từng bước chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học, theo đuổi lại con đường học vấn.

Theo nữ nhân sự trẻ, điểm nhấn trong hồ sơ xin học bổng du học Trung Quốc giúp Linh có thể cạnh tranh với hàng trăm ứng viên đến từ nhiều quốc gia khác chính là chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N1 và chứng chỉ tiếng Trung HSK 6 - chứng chỉ cao nhất trong kỳ thi HSK.

Cô tích cực tham gia các hoạt động tại trường học (Ảnh: NVCC).

Ban đầu, cô gái cũng dè dặt vì tuổi tác của bản thân và điểm yếu chính là điểm trung bình học bạ bậc THPT không cao, chỉ hơn 7 phẩy. Trong khi các ứng viên ứng tuyển khác đều có thành tích rất cao tại bậc học này.

Bên cạnh đó, Nghiêm Linh cũng đã dày công viết một bản kế hoạch học tập chi tiết gần 3.000 chữ tiếng Trung. Cô đã nhấn mạnh về điểm mạnh của bản thân, mong muốn được nhập học tại trường và kế hoạch học tập trong 4 năm nếu nhận được học bổng.

Theo bạn trẻ này, học bổng toàn phần được trao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không hẳn chỉ ở kết quả học tập những năm THPT. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua đã giúp cô gái Hải Dương giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc.

Sự cố gắng và kiên trì trong việc học ngoại ngữ đã giúp Linh nắm bắt được những cơ hội phát triển mới sau thời gian dài làm công nhân. 

Năm nay, cô sẽ tiếp tục kế hoạch học tập của bản thân và dành nhiều thời gian trau dồi thêm vốn ngoại ngữ tiếng Anh. Biết thêm nhiều ngoại ngữ, giúp những ước vọng của cô bay xa hơn.

Nguồn: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/giot-nuoc-mat-noi-xu-nguoi-va-suc-bat-dang-ne-cua-co-gai-ngheo-20250211153006284.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available