Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Trước đây, cứ đến mùa mưa, dòng nước từ thượng nguồn đổ về khiến vùng đất này chìm trong nước lũ, cuộc sống của người dân quẩn quanh trong đói nghèo, xơ xác.

Những căn nhà nổi màu xanh.jpg
Những căn nhà nổi lợp tôn màu xanh bên cạnh nhà ở chính của người dân. Ảnh: Oxalis

Tuy nhiên hiện nay, người dân không còn cảnh chạy lũ mà đa số sống thích ứng với biến đổi khí hậu, trang bị nhà phao tránh lũ để đảm bảo an toàn. Những ngày mưa lụt, người dân Tân Hóa sẽ dọn lên nhà phao sinh sống. Mỗi gia đình đều có thuyền gỗ, thuyền nhôm để đi lại sinh hoạt. 

anh a.jpg
Tân Hóa được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc lung linh. Ảnh: Oxalis

Tân Hóa được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc lung linh với những đồi cỏ xanh dưới chân núi, dòng Rào Nan uốn lượn và hệ thống hang động Tú Làn đẹp như cổ tích.

Năm 2011, một công ty du lịch được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour cùng nhiều loại hình khác nhau. 

Từ một làng quê quanh năm đối diện với nghèo khó, mưa lũ, Tân Hóa bắt đầu tham gia vào hoạt động du lịch. 

anh d.jpg
Những người nông dân vốn quanh năm chỉ biết đến ruộng ngô, nuôi bò... Ảnh: Oxalis

Hàng năm, các sản phẩm du lịch mang đến từ 10-12.000 khách cho Tân Hóa. Riêng năm 2024, đã có 11.000 khách du lịch, trong đó có 80% là khách nước ngoài đến với Tân Hóa. Tình hình kinh tế và xã hội của Tân Hóa cũng có những chuyển biến tích cực rõ rệt.

Những người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng ngô, nuôi bò hay khai thác gỗ nay đã tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch.

Cuộc sống đổi thay nhờ du lịch bền vững

Hiện có hơn 130 người dân Tân Hóa trực tiếp tham gia hoạt động du lịch với vai trò là người khuân vác hành lý cho du khách, đầu bếp, hướng dẫn viên, kinh doanh dịch vụ ăn tại nhà dân, chủ homestay… với thu nhập bình quân từ 6-12 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, có nhiều người gián tiếp hưởng lợi từ các hoạt động du lịch như hợp tác xã chăn nuôi heo, bò, gà, hộ trồng rau và các chủ rừng thông qua các hoạt động cung ứng thực phẩm...

anh 23.jpg
...nay đã trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch. Ảnh: Oxalis

Nhờ tham gia vào các hoạt động du lịch bền vững, trong vòng 10 năm, từ 2014-2024, người dân Tân Hóa cải thiện đáng kể thu nhập bình quân từ 4,8 triệu đồng/năm lên khoảng 36-42 triệu đồng/năm. 

Từ 2022, người dân Tân Hóa được hướng dẫn, hỗ trợ làm chủ cơ sở kinh doanh và vận hành dịch vụ du lịch như homestay, đón khách ăn tối tại nhà, tạo ra thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng.

Vào những ngày nước lũ dâng cao, những căn nhà phao nổi làm homestay vẫn có thể đón khách đến ở trải nghiệm, thay vì đạp xe thì nay khách sẽ chèo kayak đi ăn tối. Tân Hóa có 10 căn homestay làm trên nhà nổi và khách có thể ở vào những ngày ngập lụt.

Rural Homestay vẫn có thể đón khách đến ở trải nghiệm mùa lụt Tân Hóa.jpg
Những ngày ngập lụt, homestay vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Oxalis

Ông Trương Xuân Thơm (SN 1970), hộ kinh doanh homstay ở Tân Hóa chia sẻ, trước đây gia đình chỉ làm nông nên cuộc sống rất vất vả, ông không nghĩ sẽ có ngày, căn nhà nổi nơi góc vườn của mình sẽ là điểm lui tới thường xuyên của du khách.

“Căn nhà nổi của gia đình tôi có 1 phòng 2 giường, mỗi tháng chúng tôi thu khoảng 4-5 triệu đồng từ căn nhà này. Đây là nguồn thu nhập chính, giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước rất nhiều”.

Du lịch đã làm cuộc sống của người dân thực sự thay đổi, bên cạnh đó việc thu ngân sách của Tân Hóa cũng tăng mạnh, nếu năm 2014 thu ngân sách chỉ được vài triệu đồng thì đến năm 2024 đạt hơn 592,1 triệu đồng.

anh f.jpg
Đồng bào chuẩn bị đồ ăn tối để đón khách tại nhà. Ảnh: Oxalis

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 85,7% năm 2010 xuống còn 2,65% năm 2024, lực lượng lao động địa phương cũng được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp dành riêng cho hoạt động du lịch.

Sau những nỗ lực không ngừng, năm 2023, Tân Hóa được UN Tourism công nhận là Làng Du lịch tốt nhất thế giới. Nhận thấy tiềm năng của ngôi làng, các cấp chính quyền và các tổ chức cũng chung tay hỗ trợ để nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển hơn nữa cho Tân Hóa. 

anh g.jpg
Khách du lịch tham gia trải nghiệm cuộc sống cùng người dân. Ảnh: Oxalis

Trao đổi với VietNamNet, ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, du lịch đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của địa phương. Trước đây đời sống của bà con vô cùng khó khăn, sau 10 năm phấn đấu xây dựng, bộ mặt nông thôn ở đây đã thay đổi rõ rệt, người dân có công việc, thu nhập, đời sống được nâng lên.

anh k.jpg
Góc nhỏ Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Từ một ngôi làng nhỏ vùng rốn lũ, Tân Hóa chuyển mình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, là nơi du khách được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của thiên nhiên, được hòa mình vào văn hóa bản địa đặc sắc, được chứng kiến nỗ lực phát triển và lan tỏa vẻ đẹp quê hương của cộng đồng địa phương.

Du khách đổ về núi thiêng ở Tây Ninh rước lộc xuân, gửi gắm ước nguyệnLà điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất ở Nam Bộ, núi Bà Đen (Tây Ninh) đã đón hơn 145.000 lượt du khách đến hành hương và du xuân trong ngày mùng 4 Tết.