Thung Nham nằm trong thung đồi Hải Nham – thôn Hải Nham – xã Ninh Hải – huyện Hoa Lư – tỉnh Ninh Bình, cách khu du lịch sinh thái Tràng An khoảng 15km, là một trong những điểm du lịch thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An.
Nơi đây có khí hậu rất trong lành và phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc. Với hệ sinh thái rừng ngập nước tự nhiên có diện tích khoảng 334,2 ha trong đó có 19 ha là rừng nguyên sinh, vườn chim Thung Nham là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, 109 loài thực vật, 150 loài động vật… nổi tiếng là nơi cư ngụ của rất nhiều loài chim như cò, vạc, le le, sáo đá, mòng két… cùng hai loại chim quý là hồng hạc và phượng hoàng được ghi tên trong sách đỏ. Từ nhiều năm qua, vườn chim Thung Nham nổi tiếng vì đây là khu bảo tồn chim tự nhiên lớn nhất miền Bắc.
X
Video Vườn chim Thung Nham – Nơi thiên nhiên vẫy gọi.
Ngoài việc được mệnh danh là xứ sở của các loài chim tại Ninh Bình, là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, Thung Nham còn được biết đến với những công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử tín ngưỡng vô cùng đặc sắc.
Nằm trong khuôn viên của Khu du lịch sinh thái Thung Nham, có một khu điểm tâm linh nổi tiếng linh thiêng bao gồm: đền Gối Đại, Linh Thần Miếu và Cây Đa “di chuyển” vẫn luôn được người dân địa phương truyền tụng và tôn thờ cho đến ngày nay.
Khu điểm tâm linh này nằm ở vị trí trung tâm của khu du lịch sinh thái Thung Nham. Là nơi có vị thế đẹp và phong thủy hanh thông. Khu vực này nằm ở thế “tựa núi trông sông” – sau lưng là dãy núi hùng vĩ của rừng nguyên sinh Hoa Lư, trước mặt là hồ Tiên phẳng lặng xanh màu ngọc bích. Toàn bộ ngọn đồi như một đóa sen bung nở, nổi bật giữa vùng thung lũng. Chính vì vậy, khu vực này được cho là vùng đất của thánh thần, là chốn linh thiêng, thanh tịnh, nơi có thần linh ngự trị.
Tại đây, người dân kết hợp tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với thờ thần Quý Minh. Bên cạnh đó còn thờ Đức Thánh Việt Vương – một vị tướng tài dưới triều Đinh. Trải qua nhiều thập kỉ, khu điểm tâm linh này đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân làng Nham.
Tọa lạc ở vị trí cao nhất gần đỉnh đồi là đền Gối Đại. Tên gọi Gối Đại được ghép từ “gối” – nghĩa là “ gối tiếp” và “đại” trong “triều đại”, ý chỉ sự nối tiếp từ thời đại này qua thời đại khác. Có thể thấy, tên gọi của ngôi đền thể hiện tâm nguyện của người xưa: mong ước cho đất nước muôn đời độc lập, thái bình thịnh trị.
Ngôi đền hiện nay được xây dựng lại trên nền móng của đền cũ, theo lối kiến trúc chữ Đinh. Trước đền có tác môn đá hình cuốn thư điêu khắc họa tiết Rồng cuộn cùng hai bức bình phong tạc tượng Hổ phục. Đây là lối kiến trúc phổ biến của đền chùa Việt Nam, tạo không gian của chốn thờ tự uy nghiêm, thanh tịnh xong, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân dã và gần gũi.
Hậu cung ngôi đền thờ Tam tòa thánh Mẫu, bao gồm: Mẫu đệ nhất Thượng Thiên (cai quản vùng trời) được đặt chính giữa mặc sắc phục màu đỏ, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn (cai quản vùng rừng núi) mang sắc phục màu xanh ở bên phải và Mẫu đệ tam Thoải phủ (cai quản vùng sông nước) mang sắc phục màu trắng ở phía trái.
Ban ngoài đền thờ Ngũ vị tiên ông và ba ông Hoàng. Cánh hữu thờ Đức Thánh Việt Vương, cánh tả thờ Bà chúa bản đền (người cai quản đền thiêng). Ngoài ra, bên phải ngôi đền còn có “động Sơn Trang” thờ bà Chúa Sơn Trang cùng 12 thánh cô.
Điểm đặc biệt của ngôi đền nằm ở sự kết hợp đa dạng nhiều văn hóa tín ngưỡng: từ tín ngưỡng thờ Mẫu đến tín ngưỡng thờ Thần.Tương truyền rằng ngôi đền rất linh thiêng. Vào những dịp lễ Tết hay ngày Tư, Rằm hàng tháng, người dân địa phương thường đến đây dâng hương hoa quả bánh. Ai nấy đều thành kính chắp tay, cúi đầu xin được Mẫu mẹ vuốt ve che chở, đưa đường chỉ lối; cầu cho dân làng làm ăn được suôn sẻ, gia đình được bình an, khỏe mạnh.
Tại ngôi đền những vật thờ tự như: đèn đá, lư hương, chân tảng cột bồng đều là tác phẩm điêu khắc của làng đá mỹ nghệ Ninh Vân – Ninh Bình.
Tiếp đến là Linh Thần Miếu – Ngôi miếu thiêng kể chuyện Tướng Quân. Truyền thuyết kể lại rằng, Đức Thánh Việt Vương là một trong những công thần phò tá vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước Đại Cồ Việt. Năm 968, sau khi vua lên ngôi, vị tướng anh hùng đã tình nguyện về mảnh đất này để trấn giữ cửa thành phía Tây kinh thành Hoa Lư và sống ẩn tại đây đến lúc mất. Khi ông qua đời, nhà vua cho xây ngôi đền ngay dưới gốc Đa để tỏ lòng tiếc thương và nhắc nhở người đời sau ghi nhớ công lao ông.Nói đến thời đại Đinh Bộ Lĩnh hào hùng, sử sách xưa còn ghi lại truyền thuyết về dải núi Tướng thuộc dãy Tràng An.
Khi đó, dãy núi này được xem là vọng gác tiền tiêu bảo vệ phía Tây kinh thành Hoa Lư. Năm 966, đất nước Đại Việt rơi vào thời kì loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh phất cờ khởi nghĩa, đánh Đông dẹp Bắc liên tiếp giành thắng lợi. Ông được người dân suy tôn là Vạn Thắng Đại Vương. Tương truyền rằng, sau những trận thắng lớn, Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng lĩnh của mình lại lên đỉnh núi Tướng mở tiệc khao quân, ăn mừng và ca khúc khải hoàn suốt cả đêm ở đây. Tên gọi “núi Tướng” cũng từ đó mà ra.
Sau này, khi Đức Thánh Việt Vương mất và được xây dựng miếu thờ, ngôi miếu cũng quay mặt hướng về đỉnh núi Tướng như tâm nguyện của vị tướng tài năm xưa mãi nhớ về thời kì oanh liệt vẻ vang cũng như tấm lòng trung quân ái quốc của ông còn sống mãi.Ngôi miếu hiện nay mang giá trị sử học khi còn lưu trữ lại nhiều cổ vật quý.
Các cổ vật được ghi nhận bao gồm: 5 tấm đá xanh ghép nên 1 bàn thờ và 2 bát hương (1 hình trụ tròn, 1 hình chữ nhật) làm bằng đá xanh mịn với hoa văn chủ đạo là “lưỡng long chầu nguyệt”. Theo nghiên cứu, hai bát hương này có từ thời Hậu Lê (khoảng TK XVI). Linh thần miếu luôn được người dân địa phương quan tâm thờ cúng và săn sóc, hương khói chưa bao giờ nguội lạnh. Cũng như tấm lòng người dân nơi đây luôn ghi nhớ công lao của vị tướng tài năm xưa.
Đứng sừng sững giữa núi rừng Thung Nham, tỏa bóng xanh rờn che Đền Gối Đại và Linh Thần miếu là cây đa cổ thụ ngàn năm tuổi. Theo khoa học, dòng si và đa khi đạt từ 300 – 330 năm tuổi cây sẽ tiến hành thay thân, thân chính của cây già và mục nát đi, thay vào đó là các rễ phụ bám xuống đất ngày càng phát triển trở thành thân mới. Quá trình này gọi là các bước di chuyển.
Các nhà khoa học nghiên cứu, cây Đa tại Thung Nham có niên đại hơn 1000 năm tuổi, đã tiến hành 3 bước di chuyển, hiện cây đang di chuyển ở cuối bước ba, đầu bước tư. Vị trí ban đầu của cây cách vị trí hiện tại 20m.
Đây cũng chính là lí do mà cây có tên gọi là “Cây Đa di chuyển”.Đặc biệt ở chỗ: theo quy luật tự nhiên cây cối luôn hướng về nơi có nguồn nước. Xong, cây Đa này không di chuyển về phía bến nước hồ Tiên mà lại di chuyển theo hướng ngược lại: đi xung quanh Linh thần miếu và đền Gối Đại. Các rễ của cây đan cài vào nhau tạo thành tấm bình phong xanh che chắn bão gió, khí độc cho các công trình phía sau.
Điều kì lạ thú vị này đã được người dân nơi đây liên tưởng đến tấm lòng trung thành của Đức Thắng Việt Vương – vị tướng tài đức một lòng phò tá vua Đinh. Suốt nhiều thập kỷ qua, trải qua bao cơn mưa bão, cây đa cổ thụ vẫn sừng sững oai vệ, mùa hạ thì xòe tán xanh rờn tỏa bóng mát, mùa đông thì trở thành bức bình phong che chắn. Khi thực hiện các bước di chuyển cây Đa cũng chỉ di chuyển quanh ngôi miếu. Hình ảnh cây đa và ngôi miếu luôn song hành, vừa vững chãi lại vừa thân tình. Tựa hồ như tình nghĩa quân – vương vẫn còn sống mãi nơi đây.