Dự thảo luật Đường bộ do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến. Đáng chú ý, nhiều quy định mới đã được Chính phủ đề xuất trong dự thảo luật Đường bộ. Trong đó, dự luật bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định thu phí đường cao tốc do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, thông tin thêm với Thanh Niên chiều qua 10.7, đại diện Bộ GTVT cho biết, đề án thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư đã được gửi xin ý kiến các bộ ngành trước khi gửi lên Chính phủ để báo cáo Quốc hội, song nhiều bộ ngành vẫn chưa cho ý kiến.
Theo quy trình, các bộ ngành sẽ phải cho ý kiến để Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Chính phủ thống nhất phương án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tới cho ý kiến, để trình Quốc hội.
Trước đó vào đầu tháng 5.2023, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án thu phí thí điểm 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu. Thời gian thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa 5 năm kể từ thời điểm tuyến đường bộ được triển khai thu phí.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, pháp luật chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá, chưa có quy định về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất cho phép 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025 thực hiện thí điểm theo cơ chế phí.
Ngoài cao tốc TP.HCM – Trung Lương, 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 được đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm gồm: Cao Bồ – Mai Sơn; Mai Sơn – QL45; QL45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Cam Lộ – La Sơn; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.
Bộ GTVT cũng đưa ra dự kiến mức phí có thể từ 1.000 – 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi và tính toán có thể thu về ngân sách tại 9 đoạn cao tốc trên khoảng hơn 2.000 tỉ đồng/năm.