Tình hình thế giới và khu vực đã đặt ra tính cấp thiết của việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, ngày 15/6/2023. Ảnh: qdnd
Bước vào những năm đầu tiên của thập kỷ thứ 3 thế kỷ 21, trong môi trường của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, dù xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là chủ lưu, nhưng tình hình thế giới, khu vực đã ghi nhận những chuyển dịch nhanh chóng, bất thường và khó định đoán. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng quyết liệt trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống như chính trị, kinh tế, thương mại… kéo theo xu hướng phân tuyến, tập hợp lực lượng, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Tình hình tranh chấp chủ quyền, xung đột cục bộ, chiến tranh ủy nhiệm tiếp tục phức tạp; vai trò của hệ thống quản trị toàn cầu, luật pháp quốc tế bị suy giảm. Nhiều thách thức phi truyền thống nổi lên với khả năng đan xen, chuyển hóa thành những nguy cơ truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhập cư, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và cả an ninh thông tin. Tất cả những đặc điểm này đều có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống quốc tế, khu vực; cũng như lợi ích toàn diện của Việt Nam.
Tình hình thế giới và khu vực đã đặt ra tính cấp thiết của việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam nói chung, của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Một trong số những giải pháp được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định nhằm đẩy mạnh và nâng tầm của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng chính là phối hợp liên ngành chặt chẽ, tăng cường quy mô, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại qua các kênh, ở nhiều tầng nấc.
Có thể nói, với tư cách là một bộ phận quan trọng trong tổng thể công tác đối ngoại – ngoại giao chung của đất nước, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm đầu tư, chăm lo, tạo điều kiện phát triển. Duy trì và phát huy xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là: “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”.
Quan điểm chỉ đạo này của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội XIII thể hiện sự đổi mới tư duy về đối ngoại và và hợp tác quốc phòng theo hướng ngày càng được coi trọng, gắn bó hữu cơ với kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời được thông tin đối ngoại phản ánh rất kịp thời, chuyển tải đầy đủ thông điệp hữu nghị, bạn bè tin cậy và có trách nhiệm đến các đối tác quốc tế.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn Đại biểu quân sự cấp cao QĐND Việt Nam tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20 tại Indonesia, ngày 7-6-2023. Ảnh: qdnd |
Để góp phần hiện thực hóa thắng lợi Kết luận số 53-KL/TW ngày 28/4/2023 về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò song hành, hướng tới thống nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong chỉnh thể đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phù hợp với Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Với sự kết hợp đồng bộ nhiều lực lượng Bộ, ngành, biện pháp, giải pháp, hình thức, nhiệm vụ ưu tiên của thông tin, tuyên truyền đối ngoại là làm cho đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè, đối tác, dư luận quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng những chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng hòa bình, bảo vệ đất nước của Đảng, Nhà nước ta và những thành tựu phát triển của đất nước, của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Qua đó củng cố đồng thuận xã hội, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Bên cạnh nhiệm vụ “xây” phục vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, thông tin, tuyên truyền đối ngoại cũng luôn phát huy vai trò quan trọng của mình trên mặt trận thông tin, đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, luận điệu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội; đấu tranh chống tin giả, phản bác những luận điệu xuyên tạc về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nói riêng, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung; góp phần kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Trong đội hình chung của “binh chủng” thông tin, tuyên truyền đối ngoại, báo chí Quân đội như “lực lượng chính quy” với tinh thần sáng tạo, tư duy đổi mới, làm chủ công nghệ, luôn bám sát thực tiễn tình hình đất nước, phản ánh kịp thời, trung thực mọi mặt hoạt động công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam; góp phần tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh kênh báo chí truyền thống, thông tin về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng Việt Nam còn được lan tỏa, nhân rộng qua chính mỗi cá nhân, tập thể đang thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng như đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, các Viện Nghiên cứu, trường, cơ sở đào tạo, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, học giả trong và ngoài Quân đội… tạo hiệu ứng hết sức tích cực qua các tuyến thông tin.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngài Hugh Jeffrey, Phó Tổng Thư ký Quốc phòng Australia phụ trách Chiến lược, Chính sách và Công nghiệp quốc phòng đồng chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam – Australia lần thứ 6, tại Hà Nội, ngày 12-5-2023. Ảnh: qdnd |
Từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, để phục vụ đắc lực cho hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, nắm ưu thế trên mặt trận thông tin, ngành thông tin, tuyên truyền đối ngoại cần đầu tư, xây dựng nguồn lực con người có phẩm chất chính trị kiên định, kiến thức chuyên sâu về truyền thông, quan hệ quốc tế, nắm bắt và làm chủ công nghệ số và có trải nghiệm thực tiễn các hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; đặc biệt, cần hướng tới bồi dưỡng những cây bút “chuyên gia đối ngoại” xuất sắc có thể tác nghiệp trên các diễn đàn khu vực, quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tranh thủ được thế và lực của đất nước, qua đó, xây dựng hoặc phát huy tích cực được mạng lưới quan hệ tốt với bạn bè là các nhà ngoại giao, học giả, chuyên gia quốc tế yêu quý Việt Nam để tạo kênh tương tác thông tin hai chiều; đảm bảo tính khách quan. Trong xu thế kỷ nguyên số, thông tin đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng hơn hết cần bắt kịp xu thế đa phương tiện, đa kênh, đa ngôn ngữ tiếp cận độc giả; thu hẹp tối thiểu khoảng cách địa lý và thời gian để tăng độ phủ và hiệu quả thông tin.
Từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc và phát huy vai trò, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh tình hình mới. Với sự song hành của thông tin, tuyên truyền đối ngoại, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tạo thế và lực quan trọng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, thúc đẩy sức mạnh nội sinh, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, củng cố niềm tin của nhân dân và sự ủng hộ sâu rộng của quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đồng thời chung tay kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.
Tạp chí Quan hệ Quốc phòng