Nằm trên vùng đất Thọ Xuân giàu truyền thống lịch sử, nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy, trò Xuân Phả ở làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một phần không thể thiếu trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, trò diễn này xuất hiện từ thời nhà Đinh (968 – 980) và phát triển rực rỡ dưới triều Lê sơ.
Trò Xuân Phả nổi bật với 5 điệu múa dân gian biểu trưng cho “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống”: Trò Hoa Lang (Vương quốc Cao Ly), Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ai Lao (người Thái – Lào), Ngô Quốc (một quốc gia cổ đại ở Trung Quốc) và Chiêm Thành (người Chămpa). Mỗi điệu múa không chỉ phô diễn kỹ thuật và thẩm mỹ nghệ thuật mà còn gửi gắm những câu chuyện văn hóa, lịch sử qua các hình tượng trang phục và động tác biểu diễn.
Hằng năm, từ ngày 10 – 12 tháng Hai âm lịch, trò Xuân Phả được tái hiện tại di tích Nghè Xuân Phả, trở thành lễ hội đặc sắc của vùng đất Thọ Xuân. Các nghệ nhân trong làng thay phiên biểu diễn các điệu trò, từ vẻ huyền bí, lộng lẫy của trò Chiêm Thành, nét dí dỏm của trò Tú Huần đến sự mềm mại, mạnh mẽ của trò Ai Lao.
Được đánh giá là đỉnh cao của sự kết tinh giữa nghệ thuật múa cung đình và nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò Xuân Phả khắc họa một cách sinh động thẩm mỹ và tinh thần sáng tạo của người Việt. Qua hàng ngàn năm, di sản này vẫn giữ được sức hấp dẫn và tiếp tục là biểu tượng văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Trò Xuân Phả thấm đượm dấu ấn nghệ thuật diễn xướng kết hợp giữa cung đình và dân gian Việt Nam. Những điệu múa độc đáo vừa mang tính ước lệ tinh tế, vừa toát lên vẻ huyền bí, rực rỡ, phản chiếu sâu sắc quan niệm thẩm mỹ của dân tộc, đồng thời thể hiện tâm hồn mộc mạc, sáng tạo của người nông dân.
Các nghệ nhân làng Đoài, xã Xuân Trường (Thọ Xuân – Thanh Hóa) tái hiện điệu trò Chiêm Thành với hình tượng sống động và đặc sắc. Trang phục của chúa được làm từ vải lụa nhuộm đỏ hồng, áo quân chế tác từ đậu, tất cả đều được thiết kế tỉ mỉ. Chúa và đoàn quân cùng vấn khăn vuông đỏ, mặc áo phỗng cổ sòi, cổ xiêm quấn quanh người, tạo nên vẻ uy nghiêm và lộng lẫy.
Trong điệu múa, chúa trang nghiêm đọc văn tế, hai phỗng thành kính dâng hương, hòa cùng nhịp múa của đoàn quân mang mặt nạ gỗ với hình thù kỳ lạ. Những động tác múa gợi nhớ đến tư thế của các tượng cổ, một đặc trưng trong nền văn hóa Chămpa.
Các nghệ nhân làng Thượng, xã Xuân Trường (Thọ Xuân – Thanh Hóa) mang đến màn trình diễn sống động qua điệu trò Hoa Lang. Trò diễn có sự góp mặt của các nhân vật như ông, cháu, mế nàng và mười quân, mỗi người đều hóa thân trong những bộ trang phục đặc trưng.
Trang phục các nhân vật diễn điệu trò Hoa Lang bao gồm áo dài, đầu đội mũ cao làm từ da bò, tay trái cầm quạt, tay phải cầm mái chèo. Đặc biệt, các nhân vật đeo mặt nạ da bò được phết sơn trắng, điểm thêm mắt gắn lông công. Mũ của chúa được chạm khắc hình rồng tinh xảo, trong khi mũ của quân mang họa tiết mặt nguyệt, tạo nên vẻ oai phong và đậm nét văn hóa truyền thống.
Các nghệ nhân diễn xướng điệu trò Hoa Lang. |
Theo các nghệ nhân ở xã Xuân Trường, trong 5 trò Xuân Phả, mỗi trò đều có trang phục mang màu sắc đặc trưng riêng. Diễn trò Hoa Lang, các nghệ nhân mặc áo màu xanh nước biển. Trò Chiêm Thành lại có trang phục chủ yếu màu đỏ. Trong khi đó, trò Lục Hồn được thể hiện với áo màu xanh chàm. Trò Ngô Quốc có trang phục màu thanh thiên, còn trò Ai Lao đặc biệt với quần dài, áo cánh trắng, quấn xà cạp màu xanh chàm, cùng tấm thổ cẩm dệt hoa văn Lào quàng chéo từ vai phải sang hông trái, tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho mỗi trò diễn.
Tích trò Ai Lao. |
Điệu múa Ai Lao được các nghệ nhân làng Yên, xã Xuân Trường (Thọ Xuân – Thanh Hóa) trình diễn một cách sống động và cuốn hút. Trò diễn bao gồm mười quân cùng voi và hổ, tất cả hòa nhịp với âm thanh rộn ràng của tiếng xênh tre gõ liên tục. Những động tác múa không chỉ biểu trưng cho sức mạnh săn bắt mà còn thể hiện sự uyển chuyển, mềm mại đầy nghệ thuật.
Trong điệu múa, chúa đội mũ cánh chuồn, khoác áo, toát lên vẻ oai phong. Quân lính đội mũ làm từ rễ si, quấn phá ngang vai, chân mang xà cạp và tay cầm xênh tre. Họ xếp thành hai hàng, thể hiện những động tác mô phỏng cảnh săn bắt, hái lượm, tái hiện sinh động nét văn hóa đặc trưng và phong phú của vùng đất này.
Điệu trò Ngô Quốc. |
Các nghệ nhân làng Đông, xã Xuân Trường (Thọ Xuân – Thanh Hóa) tái hiện điệu trò Ngô Quốc với sự hấp dẫn và giàu tính nghệ thuật. Trò diễn gồm các nhân vật hai nàng tiên, ông chúa và mười quân, tất cả đội nón lính, mặc áo màu lam, tay cầm mái chèo.
Phần mở đầu được dẫn dắt bởi các nhân vật phụ như người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý, mỗi người thể hiện một đoạn múa ngẫu hứng đầy sinh động. Sau đó, sân khấu nhường lại cho các nàng tiên, ông chúa và đoàn quân xuất hiện, tạo nên bầu không khí trang trọng và giàu màu sắc.
Trò diễn Ngô Quốc kết thúc với điệu múa chèo thuyền cùng những lời ca đậm chất trữ tình và lưu luyến: Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi/ Chàng về Bắc quốc, em thời An Nam/ Mưa đâu chớp đấy cho cam/ Mưa qua thành Lạng chớp ngàn mây xanh.
Các nghệ nhân làng Trung, xã Xuân Trường (Thọ Xuân – Thanh Hóa) biểu diễn điệu Tú Huần (Lục Hồn Nhung) với sự sinh động và độc đáo. |
Trò Tú Huần khắc họa hình ảnh bà cố, mẹ và mười người con với 5 cặp, theo độ tuổi từ trẻ đến già với 1, 2… 5 cái răng. Mũ tre đan úp ngược có lạt tre làm tóc bạc, đội trên miếng khăn vuông vải đỏ bịt đầu tóc. Nghe hồi trống, cụ cố già, người hầu bên cạnh cầm quạt, lượn hai vòng quanh sân nghè, vái chào. Bà mẹ gõ xênh nhảy theo nhịp ba gần ban thờ, quỳ vái.
Theo nhịp trống, 10 người con diễn trò Tú Huần chia thành từng đôi, tiến lùi theo mẹ múa. Bà mẹ gõ xênh, nhảy theo nhịp ba gần ban thờ, đồng thời quỳ vái theo nghi thức. Sự phối hợp nhịp nhàng cùng nội dung sâu sắc của vở diễn tạo nên một màn diễn xướng đầy cảm xúc, gợi nhớ nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc.
Các nghệ nhân trình diễn trò Xuân Phả. |
Dấu ấn nghệ thuật tỏa sáng rực rỡ qua từng điệu trò Xuân Phả. Trò Xuân Phả không chỉ là một loại hình diễn xướng mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật, nơi hội tụ sự trang nghiêm của múa cung đình và nét mộc mạc, phóng khoáng của múa dân gian. Đây là sự kết tinh của tài năng sáng tạo, niềm tự hào dân tộc và chiều sâu lịch sử, mang đến một sức hấp dẫn riêng biệt, vượt qua giới hạn không gian và thời gian.
Mỗi điệu múa trong trò Xuân Phả như một bức tranh sống động, tái hiện khung cảnh ngoại giao và văn hóa đa dạng giữa Đại Cồ Việt và các quốc gia lân bang. Không chỉ là những động tác nghệ thuật đơn thuần, các điệu trò còn truyền tải câu chuyện về tình đoàn kết, sự hòa hợp và giao lưu văn hóa, thể hiện trí tuệ và tài hoa của người Việt Nam.
Với âm nhạc rộn ràng, trang phục cầu kỳ và các động tác múa uyển chuyển, Xuân Phả vẽ nên một thế giới vừa trang nghiêm, huyền bí, vừa sống động, rực rỡ. Mỗi vũ điệu, mỗi âm thanh đều mang theo những tầng ý nghĩa sâu sắc, gợi lên niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Chính vì thế, trò Xuân Phả không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Việt Nam mà còn là biểu tượng cho sự trường tồn của nghệ thuật dân gian, một báu vật xứng đáng được gìn giữ và tôn vinh trên bản đồ văn hóa thế giới./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/tich-tro-xuan-pha-toa-sang-di-san-van-hoa-xu-thanh-687432.html