Sở Y tế TP HCM và UBND TP Thủ Đức ưu tiên xây mới Bệnh viện Tâm thần – nơi được xem là xấu nhất trong các bệnh viện tâm thần cả nước.
Nội dung này được thống nhất trong cuộc họp định hướng phát triển TP Thủ Đức trở thành cụm y tế chuyên sâu thứ ba của TP HCM, ngày 12/10. Cụm y tế chuyên sâu thứ hai đang tiếp tục được xây dựng là cụm y tế Tân Kiên (Bình Chánh), cụm y tế chuyên sâu thứ nhất là cụm y tế trung tâm đang hiện hữu.
Bệnh viện Tâm thần TP HCM chỉ có 300 giường nhưng phân bố ở 3 địa điểm với cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến điều trị, khám chữa bệnh người dân. Trong đó, cơ sở chính ở quận 5 với 50 giường nội trú trên diện tích chật hẹp (1.700 m2). Cơ sở thứ hai tại xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, 250 giường, chỉ được thiết kế cho điều trị nội trú. Cơ sở thứ ba là khoa Khám trẻ em – Bệnh viện ban ngày, ở quận Phú Nhuận, chức năng khám và điều trị các bệnh tâm thần ngoại trú cho trẻ em.
Theo định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiêu chuẩn trung bình trên toàn quốc là 12 giường/100.000 dân. TP HCM với hơn 10 triệu dân, cần khoảng ít nhất 1.200 giường.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế đã xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Kế hoạch có một chuỗi hoạt động từ dự phòng, tầm soát phát hiện sớm đến nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần.
Khi Bệnh viện Tâm thần xây mới, Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh tâm thần TP HCM sẽ được di dời về. Đất xây dựng do UBND TP Thủ Đức ưu tiên quy hoạch, phân bổ đất trống, có thể triển khai đầu tư ngay.
TP Thủ Đức dành 120 ha đất để xây dựng cụm y tế chuyên sâu, ưu tiên các cơ sở y tế công lập hiện hữu nhưng đang bị quá tải, xuống cấp, bao gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh cơ sở 2 (0,9 ha), Bệnh viện Lê Văn Việt cơ sở 2 (1,5 ha), Bệnh viện TP Thủ Đức xây mới (5,8 ha), đề xuất bằng ngân sách, vay vốn kích cầu.
Một khu đất trống 0,8 ha được dùng để xây mới Bệnh viện Mắt cơ sở 2 bằng nguồn vay kích cầu. Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao dự kiến xây trên diện tích 2,9 ha bằng kêu gọi nguồn vốn tư nhân. Phương thức PPP cũng được đề xuất để xây mới một bệnh viện chuyên khoa đột quỵ – loại hình bệnh viện chuyên khoa này hiện chưa có tại TP HCM. Khu đất 0,8 ha được quy hoạch dành cho bệnh viện, khách sạn nhưng chưa thực hiện, dự kiến để xây dựng Trung tâm Cấp cứu 115.
Bên cạnh Khoa Y – Đại học Quốc gia TP HCM, Thủ Đức sẽ ưu tiên đất để phát triển thêm các cơ sở đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, mô hình viện – trường, các trường điều dưỡng…
Lê Phương