Đặng Thu Mai (35 tuổi) là hiệu trưởng một trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội. Thành công trong công việc, có một gia đình hạnh phúc, song Mai lại nghiện rượu.
Người phụ nữ cho biết, cô uống rượu được hơn 5 năm. Trước đây, Mai mở nhà hàng kinh doanh, thi thoảng uống rượu xã giao cùng khách. Tuy nhiên, Mai làm ăn thua lỗ nên phải đóng cửa nhà hàng. Mệt mỏi chuyện công việc, cộng thêm con cái ốm đau, Mai uống vài chén để giải toả tâm lý.
Vị cay xé của rượu giúp cô thấy thoải mái, bình tĩnh hơn. Dần dà cứ gặp chuyện áp lực, Mai lại tìm đến rượu. Uống rượu trở thành thói quen, rồi thành nhu cầu không thể thiếu của người phụ nữ.
Mỗi lần say rượu Mai về nhà khóc lóc, hát hò, nói năng lung tung, mối quan hệ vợ chồng cũng trở nên căng thẳng. Nhiều lần chồng Mai khuyên vợ cai rượu nhưng chỉ bỏ được vài hôm cô lại tìm đến hơi men. Không có rượu Mai mất ngủ, thậm chí sinh ra lo lắng, bất an, cáu gắt khi gặp căng thẳng trong công việc.
“Trước đây Mai rất hiền, không bao giờ cáu gắt, nhưng sau một lần làm ăn thua lỗ, vợ tôi uống rượu thường xuyên, tính nết cũng thay đổi, cáu gắt với chồng con, lúc nhớ lúc quên”, chồng chị Mai chia sẻ.
Sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của vợ cũng như hạnh phúc gia đình, chồng chị Mai quyết định đưa vợ đi thăm khám tâm thần để tìm cách giải quyết.
Qua thăm khám và khai thác tiền sử, bác sĩ chẩn đoán Mai bị nghiện rượu.
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, nghiện rượu là sự thèm muốn mạnh mẽ, đòi hỏi thường xuyên phải uống rượu, hình thành thói quen, rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, hao tổn về mặt kinh tế – xã hội.
“Để đánh giá một người là nghiện rượu thì trong giai đoạn đầu, người nghiện rượu có một số dấu hiệu như thay đổi tính nết, rối loạn trí nhớ, dễ cáu gắt, mệt mỏi, đau đầu, ngủ kém, hay thèm rượu, giảm khả năng và hiệu suất lao động”, bác sĩ Thu nói và cho biết rượu là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực.
Nghiện rượu trong y học được coi là bệnh lý xếp vào chuyên khoa tâm thần bởi gây ra những ảnh hưởng đến não bộ. Điều trị nghiện rượu cần được kết hợp giữa chuyên khoa tâm thần với các chuyên khoa khác về các bệnh lý mà rượu gây ra.
Theo bác sĩ Thu, nhiều nguyên nhân dẫn tới nghiện rượu, trong đó nhóm nguyên nhân chính là yếu tố môi trường dễ tiếp cận với chất gây nghiện, tiếp đó là yếu tố tâm lý và do sinh hóa não, có thể là do di truyền.
Những trường hợp nghiện rượu nặng phải đến cơ sở y tế để cai. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc cai rượu, hỗ trợ giấc ngủ để điều trị cho bệnh nhân đỡ bị run, bớt các cơn sảng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ hỗ trợ, cổ vũ động viên, giám sát sự tiến bộ của người bệnh mỗi ngày.