Ưu tiên vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng07/02/2025


Chiều 7/2, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư công, hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững thông qua trọng tâm vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGuyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, đồng thời điều chỉnh theo Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15. Trọng tâm đầu tư được xác định tập trung vào những dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên gồm các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng như phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, đường cao tốc, đường sắt đô thị và kết nối hạ tầng liên vùng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, năng lượng nguyên tử và hạ tầng số; giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững; quốc phòng, an ninh và tư pháp để đảm bảo ổn định và phát triển đất nước.

Một số dự án đặc biệt được ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 bao gồm đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị nhằm giảm áp lực giao thông và ô nhiễm môi trường, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, lĩnh vực vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những ưu tiên quan trọng nhằm đảm bảo sự chủ động công nghệ trong thời đại số. Việc tập trung đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công nghệ lõi, sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh rằng, Nghị quyết lần này đã được rà soát kỹ lưỡng nhằm khắc phục tình trạng phân bổ vốn dàn trải, thiếu trọng tâm trong giai đoạn trước. Nguyên tắc đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung vào các dự án có tính lan tỏa cao, tránh đầu tư theo cơ chế bình quân mà không đạt hiệu quả cao. Đối với ngân sách địa phương, Nghị quyết yêu cầu tập trung đầu tư vào các công trình có tác động lớn đến kinh tế - xã hội khu vực, hạn chế tình trạng đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ. Việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm không chỉ giúp nâng cao hiệu suất sử dụng vốn mà còn tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho nền kinh tế.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn 2026 - 2030, việc phân bổ vốn đầu tư công phải đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả. Ông cũng lưu ý cần khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn nước ngoài, hiện chỉ đạt 52,7% kế hoạch, đồng thời tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, coi đây là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Một số giải pháp nhằm cải thiện tốc độ giải ngân được đề xuất bao gồm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý dự án và ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi tiến độ đầu tư.

Sau quá trình thảo luận và điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết với 100% Ủy viên có mặt tán thành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.



Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/uu-tien-von-dau-tu-cho-khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-va-doi-moi-sang-tao-160310.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available