Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, lãnh tụ thiên tài và vô cùng kính yêu của Ðảng ta, Nhân dân ta và của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cho công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta. Dưới ngọn cờ chói lọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam được mở ra: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng và lý luận cách mạng của Người để lại cho dân tộc ta và nhân loại yêu chuộng hoà bình trên thế giới một di sản vô cùng to lớn và quý giá, đó là chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cho dù thế giới vần xoay, biến đổi khôn lường, song tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn trường tồn, được các thế hệ người Việt Nam kế thừa, phát triển, vươn mãi lên tầm cao mới”.
Tranh: Minh Tấn |
Từ bình diện thế giới, nhiều chính khách, nhiều nhà nghiên cứu về tư tưởng, về triết học, về lịch sử ở nước ngoài, kể cả một số nước tư bản phát triển đã sớm nhìn nhận và khẳng định: Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng độc đáo, xuất sắc.
Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VII đã khẳng định: “Ðảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Ấy vậy mà vẫn còn có một số người bị dao động về lập trường tư tưởng, hùa theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động khi cho rằng: “Không có tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn rất khiêm tốn tự nhận mình không phải là nhà tư tưởng, nhưng trên thực tế quá trình hoạt động cách mạng của Bác, tư tưởng của Người đã dần được hình thành và phát triển hoàn thiện, được Ðảng và Nhân dân Việt Nam, đồng chí, bạn bè thế giới công nhận. Ðảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam” (1).
Trong đó, tư tưởng về “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là luận điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh, nó thâm nhập và xuyên suốt toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người trong các thời kỳ và trên các lĩnh vực”(2). Cần nhấn mạnh rằng, trước khi khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh xuất hiện thì thế giới đã thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh. Tổ chức UNESCO khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”(3). Nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, các tổ chức tiến bộ trên thế giới cũng đã thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng. Thực tiễn những thành tựu to lớn mà cách mạng Việt Nam đạt được nhờ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh qua từng giai đoạn cách mạng đã củng cố vững chắc quan điểm đúng đắn này.
Trắng trợn và lố bịch hơn, có kẻ còn cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh khác và đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin về bản chất; mặt khác, họ lại “tôn vinh” tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp giá trị, vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Cả hai quan điểm này đều sai cả về lịch sử và lô gic.
Về mặt lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin đã vạch đường đi tới tương lai cho các dân tộc bằng hệ thống lý luận mang tính khoa học, cách mạng và nhân văn, không chỉ giúp loài người nhận thức đúng đắn về thế giới mà còn cải tạo thế giới theo hướng tích cực, phục vụ lợi ích cho con người. Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là nguồn gốc quan trọng dẫn tới hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về mặt lô gíc, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin về bản chất và sự truyền bá chủ nghĩa ấy vào Việt Nam là một quá trình phản ánh các bước đi hợp lô gíc chứ không hề có sự mâu thuẫn, đối lập như suy luận, xuyên tạc của một số phần tử đối lập, thù địch.
Có quan điểm cho rằng, Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh đến đấu tranh. Luận điệu này đã làm dư luận hoài nghi về bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gây tâm lý hoang mang, dao động, chia rẽ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong Ðảng, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng.
Thậm chí, có kẻ cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin từng có giá trị nhưng đã bị lịch sử vượt qua và nó chỉ phù hợp với các nước phương Tây, còn tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với Việt Nam. Qua đó, họ ra sức kêu gọi “chỉ cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bỏ qua chủ nghĩa Mác – Lênin”. Chúng sử dụng “thuyết âm mưu” nhằm mục đích đưa chủ nghĩa Mác – Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Ðảng, nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, song thực chất là nhằm phủ nhận cả chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thủ đoạn này rất tinh vi, bởi vì, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có chủ nghĩa Mác – Lênin, nếu tách khỏi cội nguồn, yếu tố cốt lõi, bản chất, nền tảng lý luận quan trọng nhất thì sẽ mất đi tính khoa học, cách mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, lợi dụng công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng ta thời gian vừa qua, một số kẻ đã vịn cớ vu khống, quy kết là Ðảng ta “đấu đá nội bộ”, “đấu tranh giữa các phe phái vì quyền lực”. Họ tỏ ra khách quan khi dùng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm “hệ quy chiếu” để đánh giá, phán xét Ðảng nhằm vừa cố tình hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng, gây hoang mang, mất niềm tin, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Họ đưa ra lý do và cho rằng, Hồ Chí Minh là bậc thánh nhân trong khi chúng ta là người bình thường thì đâu có đủ khả năng học tập, làm theo; Hồ Chí Minh là người đi theo chủ nghĩa khổ hạnh, trong khi chúng ta đang có cuộc sống bình thường ở thế giới hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa khổ hạnh và cũng chưa bao giờ tỏ ra mình là bậc thánh nhân, Người vẫn chỉ là một con người bình thường “bằng xương, bằng thịt”, Người từng yêu cầu cán bộ góp ý cho mình, rằng: “Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số rất ít nhân vật trong lịch sử đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Cho đến nay, tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị và “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Ðảng và của dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi”(5). Tầm vóc tư tưởng Hồ Chí Minh còn mang tính nhân loại, không chỉ được khẳng định trong thế kỷ XX, mà còn được thể hiện trong hiện tại và tương lai. Kiên quyết đấu tranh, phản bác, chống lại các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nhằm bảo vệ bản chất, nội dung và giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Ðảng./.
(1) Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88
(2) (Hồ Chí Minh toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000,t1,tr. 9, 10)
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.301
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.260
(5) Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88
Phan Minh Trung