Tổng Bí thư Tô Lâm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong bài viết "Rạng rỡ Việt Nam", Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện được tính nhất quán con đường của Đảng xuyên suốt lịch sử xây dựng và trưởng thành, một sự phát triển nhất quán dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; đồng thời khẳng định bằng những minh chứng rõ nét về vai trò, vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với những thành tựu mà cách mạng nước ta, dân tộc ta đã đạt được.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Minh Hồng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã sử dụng những tài liệu, tư liệu một cách khéo léo để nâng tầm nội dung, gợi mở vấn đề một cách mới mẻ. Ví dụ như Tổng Bí thư Tô Lâm trong phần cuối bài viết đã trích dẫn con số gần 5.000 đảng viên vào năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trên 500.000 đảng viên vào thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập, thống nhất đất nước và con số trên 5,4 triệu đảng viên hiện nay, thể hiện sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, để khẳng định Đảng ta đủ sức đảm đương trách nhiệm, sứ mệnh lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cũng cho rằng, bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm rất sâu sắc, toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của Đảng từ ngày thành lập đến nay. Thực tế đã chứng minh, 95 năm qua, những thắng lợi to lớn của dân tộc ta trong Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc và đặc biệt là đạt được những thành tựu đáng tự hào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước… đều gắn với vai trò, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng.
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã nêu 7 vấn đề trọng tâm về công tác xây dựng Đảng trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những thách thức từ tình hình thế giới hiện nay. Đây là những giải pháp hết sức căn bản, thiết thực, hiệu quả, mang tính đột phá và toàn diện, có cả mục tiêu ngắn hạn và lâu dài, lồng ghép với những chủ trương, đường lối, giải pháp mà chúng ta đã và đang thực hiện quyết liệt thời gian qua.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang, nội dung “kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng” được Tổng Bí thư xem là vấn đề quan trọng nhất và đặt lên hàng đầu, vấn đề cốt lõi nhất trong công tác xây dựng Đảng, là nền tảng, là yếu tố định hình cho các giải pháp khác. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng vì nền tảng lý luận vững chắc sẽ quyết định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo và chiến lược phát triển đất nước. Tổng Bí thư cũng chỉ ra việc xây dựng hệ thống lý luận của Đảng cần khách quan, trung thực, thắng thắn, không ngừng củng cố, hoàn thiện, bổ sung… thì mới phát huy được vai trò định hướng lãnh đạo của Đảng.
Cũng bày tỏ tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền thông điệp, bồi đắp niềm tin, niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay, để từ đó vượt qua thách thức, vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, xứng đáng với các thế hệ cha, ông, xứng đáng với lịch sử hào hùng của Đảng và dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang đứng trước những vận hội và thách thức mới để tiếp tục sự nghiệp đổi mới với ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao, hơn bao giờ hết, cần luôn giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức chi bộ vững mạnh, rèn luyện tư cách đảng viên với phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sáng 31/12/2024.
Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Trinh cho biết, trong 7 nhóm vấn đề trọng tâm được nêu trong bài viết, bà rất tâm đắc với vấn đề thứ 3 về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng. Trong đó, việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng nói chung và trong xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh nói riêng có ý nghĩa quan trọng.
Cá nhân đảng viên phải luôn đoàn kết, thống nhất, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đoàn kết không phải ngoài miệng mà cả trong công tác, tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ. Đoàn kết là thuộc tính tất yếu, là sức mạnh của Đảng. Vì vậy, Đảng phải luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, xem đó là nhiệm vụ đặc biệt, một nguyên tắc trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đảng phải thường xuyên thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển đoàn kết, thống nhất của Đảng. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Chi ủy giữ vai trò quy tụ trong đoàn kết chi bộ. Do vậy cần quan tâm xây dựng, củng cố chi ủy gắn với việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực. Các cán bộ chủ chốt của chi bộ phải là những người mẫu mực về đoàn kết; phải biết kết hợp và xử lý hài hòa giữa các lợi ích, đặt lợi ích tập thể, chi bộ lên trên hết, có khả năng quy tụ tinh thần đoàn kết trong toàn chi bộ. Đặc biệt, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng; đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 10, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Tâm Hiếu (50 năm tuổi đảng ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cùng với công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cần được tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, qua đó góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng; trực tiếp phá hoại công cuộc phát triển đất nước, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đặc biệt, tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; là tiền đề của mất ổn định xã hội; tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Theo bà Phạm Tâm Hiếu, tại thời điểm này, vấn đề phòng, chống lãng phí là cần thiết cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, tạo ra văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Như vậy mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới” với chủ đề “95 năm - Ánh sáng soi đường”, tối 3/2/2025.
Công tác tổ chức, cán bộ được xem là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự vững mạnh của Đảng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để đưa đất nước phát triển bền vững, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Muốn vậy, tổ chức bộ máy phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ phải có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chiều 31/10/2024, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Về nội dung này, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, hiện nay, công tác tổ chức cán bộ không chỉ dừng lại ở việc bố trí, sắp xếp nhân sự mà còn phải hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện tốt công tác này, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng cần tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, bảo đảm sự vận hành thông suốt của hệ thống chính trị. Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, sử dụng cán bộ. Đặc biệt, phải kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao. Đội ngũ cán bộ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải thực sự gắn bó với nhân dân, sẵn sàng cống hiến vì sự phát triển của địa phương và đất nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đây là giải pháp quan trọng để giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc sáng 25/11/2024.
Cũng bày tỏ tâm đắc về nhóm vấn đề thứ 5 là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, ông Nguyễn Xuân Tùng, Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ phường Ngọc Hà (Hà Nội) cho rằng, các cấp, ngành, địa phương cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác cán bộ. Các quy trình về công tác cán bộ phải trở thành cơ chế để lựa chọn người tốt nhất, người xứng đáng. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế phát hiện, bảo vệ và trọng dụng người tài, đồng thời có cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng, trong đó ai giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ sai tiêu chuẩn, thiếu phẩm chất, yếu năng lực thì phải chịu trách nhiệm.
Mỗi giai đoạn của cách mạng đều gắn với một tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy cách mạng phát triển và tiến lên. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm giải phóng nguồn lực, tháo điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum (bên trái) trao đổi với phóng viên TTXVN.
“Tôi cảm nhận được sự dung hòa, không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân đầy hứng khởi với sự sôi động, khẩn trương, ngập tràn cảm xúc của cả hệ thống chính trị bắt tay vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Việc sắp xếp bộ máy tổ chức như đòi hỏi hiện nay là nhu cầu khách quan, tất yếu của cách mạng Việt Nam khi bước vào giai đoạn mới của lịch sử”, ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum khẳng định.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Y Việt Sa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết: "Hiện nay, việc triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy được làm trước hết từ Trung ương đã thể hiện rõ tính nêu gương, tiên phong gương mẫu từ trên xuống. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tuy có rất nhiều thách thức đặt ra, nhưng với quan điểm cá nhân, tôi thấy đây là giải pháp tạo động lực, bắt buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng trau dồi về mặt kiến thức, kỹ năng, tư duy, khả năng lãnh đạo để phù hợp với vị trí công tác; khuyến khích được sự sáng tạo và khát vọng cống hiến trong bản thân mỗi người. Chúng ta phải lựa chọn được những cá nhân thật sự ưu tú để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nội dung công tác phù hợp với thực tiễn hiện nay. Một hệ thống tinh gọn với đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, tận tâm, tận lực thì đất nước sẽ vươn mình".
Bà Y Việt Sa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum (bên phải) trao đổi với phóng viên TTXVN.
Quan tâm đến nội dung tăng cường công tác ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng, ông Đào Ngọc Nghiêm, Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có những tiếp cận đáng kể về khoa học và công nghệ. Cụ thể, đã chú trọng về cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực trí thức trẻ tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ công tác Đảng để thúc đẩy cải cách hành chính. Đặc biệt, trong bối cảnh biên chế ngày càng tinh gọn do thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, việc chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động của cấp ủy Đảng là việc làm cấp thiết.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong Đảng, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, thời gian tới ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả; đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn đối với từng cá nhân, đơn vị.
Theo đó, các cơ quan Đảng cần tập trung xây dựng và nhận chuyển giao hệ thống thông tin chuyên ngành. Cụ thể là tiếp nhận, đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin, dịch vụ dùng chung và các ứng dụng nội bộ như: hệ thống thông tin của các ngành, ban đảng; phần mềm quản lý tài sản trong hệ thống cơ quan Đảng; triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm hệ thống thông tin đã được chuyển giao.
Bên cạnh đó, các cơ quan Đảng cần triển khai, xây dựng các hệ thống thông tin có sử dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big data), tăng tính kết nối, chia sẻ, phục vụ cho công tác tham mưu, tổng hợp, thống kê, dự báo; đẩy mạnh công tác số hóa, trao đổi văn bản điện tử trên mạng máy tính; khai thác dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia...
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm khu trưng bày tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tổ chức vào sáng 13/1/2025, tại Nhà Quốc hội.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành là giải pháp quan trọng để giảm tải công việc hành chính và cắt giảm nhân lực. Nhưng để triển khai hiệu quả giải pháp này, trước hết cần chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực số cho cán bộ, đặc biệt là người trẻ. Cần bố trí cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp ủy các cấp. Đồng thời cũng có những chính sách, cơ chế để khuyến khích thúc đẩy sự say mê nghiên cứu của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, chiêu mộ họ làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị”, bà Y Việt Sa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum nêu quan điểm.
Về phần mình, ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của khoa học - công nghệ, trong các văn kiện của Đảng, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đều xác định phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Là đảng cầm quyền, lãnh đạo chính quyền, đòi hỏi Đảng cũng thường xuyên đổi mới ngang tầm với nhiệm vụ mà lịch sử đã giao. Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc. Ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh: “Nói rộng hơn là cần ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xây dựng Đảng. Đây là yêu cầu khách quan, tất yếu để Đảng ta đủ năng lực lãnh đạo hệ thống chính trị, đáp ứng thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số”.
Tỉnh Bình Dương và tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện chiến lược phát triển “Chuyển đổi số”.
Bài: Nhóm phóng viên TTXVN
Ảnh, đồ họa, video: TTXVN
Tổng hợp, biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
Nguồn:https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/tu-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20250209161743190.htm
Bình luận (0)