Hai vị khách ngồi cạnh tôi tấm tắc khen ngay sau khi nếm thử nước lèo tại Bún bò Huế Út Hưng. Mùi bún bò nồng đượm tỏa ra một góc phố, khiến nhiều người đi ngang qua cũng phải ngoái lại nhìn.
Một phần bún bò đầy đủ tại Bún bò Huế Út Hưng - Ảnh: LAN HƯƠNG
Nằm ngay đầu đường Trần Quốc Toản giao Trần Quốc Thảo, quận 3, quán Bún bò Huế Út Hưng đã tấp nập người đến ăn uống từ 6h sáng.
Cô Út (50 tuổi) - chủ quán - thoăn thoắt chuẩn bị bún bò cho thực khách. Tay này vừa trụng bún, tay kia lại xếp thịt bò, vừa khéo léo múc nước lèo nóng hổi vào tô.
'Mẹ bảo bán bún bò thì phải bán cho ngon'
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Út cho biết quán Bún bò Huế Út Hưng đã có tuổi đời lên đến 25 năm. Trải qua nhiều lần đổi địa điểm, quán dời về địa chỉ mới hiện tại và bán được vừa tròn 2 năm.
"Nói là mới vậy thôi chứ 25 năm trước quán đã bán tại đây rồi. Sau đó, quán của tôi bán ở đường Nguyễn Thông, Tú Xương, trải qua 21 địa điểm rồi lại quay về chỗ hiện tại" - cô Út kể.
Không gian tại quán Bún bò Huế Út Hưng - Ảnh: LAN HƯƠNG
Bún bò Huế Út Hưng có hai chủ quán, đó là cô Út và anh trai của cô - chú Hưng. Cả hai anh em vào Sài Gòn lập nghiệp, vì quá yêu món ăn quê nhà nên quyết định bán bún bò Huế cho mọi người cùng thưởng thức.
Theo đánh giá của nhiều thực khách, bún bò tại quán Bún bò Huế Út Hưng có vị nước lèo chuẩn Huế nhất.
Đó là cái vị không quá mặn, cũng không quá ngọt nhưng rất đậm đà nhờ sự hòa quyện giữa mắm ruốc, xương bò và nhiều loại gia vị.
Khi ăn, chỉ cần vắt một lát chanh nhỏ là đủ hài hòa và dậy vị.
Cô Út cười thật tươi khi nghe lời khen bún bò ngon. Cô nói rằng mình không dám nhận đây là quán bún bò chuẩn vị Huế nhất Sài Gòn như nhiều người vẫn bảo, nhưng công thức nấu hoàn toàn do bà nội và mẹ cô truyền lại.
Phần nước lèo được đun liên tục để giữ nguyên độ nóng - Ảnh: LAN HƯƠNG
Dù bán ở Sài Gòn nhưng cô vẫn nấu theo cách bà và mẹ thường nấu, mà không gia giảm sao cho phù hợp với khẩu vị của bất cứ ai.
"Tôi học công thức nấu bún bò từ bà nội và mẹ. Tết về, khi cả nhà quây quần bên nhau, mẹ dặn tôi đã bán bún bò thì phải bán sao cho thật ngon để khách ăn còn nhớ đến" - cô kể thêm.
Theo cô Út, bí quyết để nấu một tô bún bò ngon nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu. Nguyên liệu phải tươi, sạch thì mới giữ được hương vị tự nhiên và thơm ngon của món ăn.
Cô Út tâm sự: "Mỗi quán sẽ có một công thức khác nhau, tùy sở thích của người nấu. Quán tôi nấu nước không bỏ thơm, vị ngọt của nước lèo đến từ thịt heo, thịt bò tươi. Đồ không tươi thì tôi có tài giỏi mấy cũng không nấu ra tô bún bò ngon được".
Bán bún bò cực nhưng vẫn rất vui
Bún bò Huế Út Hưng mở bán từ 6h sáng đến tận đầu giờ chiều. Từ khoảng 9h, nồi nước lèo và các mâm đồ ăn đã dần vơi bớt, cô Út phải "châm" liên tục.
Một tô bún bò đầy đủ tại quán có giá 70.000 đồng. Đây là giá khá phổ biến so với mặt bằng chung tại trung tâm Sài Gòn. Tô đầy đủ gồm nạm bò, chả cua, huyết, miếng da sần sật và một khoanh giò thật to.
Cô Út và nhân viên quán chuẩn bị bún bò cho khách - Video: LAN HƯƠNG
Nói với Tuổi Trẻ Online, chị Cát Tiên (36 tuổi) - một khách quen tại quán - cho biết: "Tôi là người Huế nên thấy vị bún bò Sài Gòn hơi ngọt so với mình. Từ ngày biết quán Bún bò Huế Út Hưng, một tuần tôi phải ăn ở đây đến 3 lần, giống vị tôi ăn ở quê lắm".
Cô Út tâm sự rằng vì mở cửa sớm, nên từ 3h sáng cô đã dậy để đi chợ và chuẩn bị nguyên liệu. Riêng phần nước lèo thì cô hầm qua đêm để thịt mềm rục, nước lèo ngọt thanh.
Bún bò Huế Út Hưng chỉ bán tại chỗ, không bán qua các ứng dụng giao hàng vì theo lời cô Út thì "mình bán qua app đông quá thì còn đâu đồ ăn cho khách của mình".
Một số topping có trong bún bò Huế - Ảnh: LAN HƯƠNG
Phụ giúp cô Út còn có 3 người khác chạy bàn, song với lượng khách nườm nượp, cô vẫn làm không ngơi tay.
Dù vậy, trên môi cô vẫn luôn nở nụ cười, nói chuyện niềm nở với khách hàng. Cực đấy, mệt đấy nhưng chẳng bao giờ thấy cô cau có. Thỉnh thoảng, cô lại cất lên những giai điệu ngọt ngào đặc trưng của người con gái Huế để bao mệt nhọc tan biến theo lời ca.
Nguồn: https://tuoitre.vn/troi-oi-bun-bo-hue-nhu-the-nay-moi-dung-vi-hue-chu-20250220171228875.htm
Bình luận (0)