Đau tức vùng mặt, nghẹt mũi hoặc chảy dịch mũi, đau đầu, giấc ngủ kém là những triệu chứng viêm mũi xoang thường gặp.
Xoang là những hốc rỗng nằm bên trong khối xương sọ – mặt, chứa đầy không khí và sạch sẽ. Khi các hốc rỗng này bị viêm nhiễm lớp niêm mạc lót mũi xoang dẫn đến tích tụ và chứa nhiều dịch, mủ, gây bít tắc (tắc xoang) gọi là nhiễm trùng xoang hay viêm mũi xoang.
Viêm mũi xoang được chia thành nhiều mức độ: cấp tính (triệu chứng viêm xoang kéo dài dưới 4 tuần), bán cấp tính (4-12 tuần) và mạn tính (kéo dài hơn 12 tuần, tái lại nhiều lần dẫn đến phù nề, bít tắc lỗ thông xoang).
Triệu chứng thường gặp của viêm mũi xoang bao gồm chảy dịch mũi màu trắng, vàng hoặc hơi xanh, nghẹt mũi, nặng mặt, nhức đầu, sốt, mệt mỏi, ù tai, ho… Người bệnh có thể bị hôi miệng, giảm khứu giác, vị giác, đau và sưng quanh mắt, má, mũi, trán.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Phương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhận biết viêm mũi xoang thông qua các triệu chứng thường gặp giúp người bệnh chủ động, sớm có biện pháp cải thiện.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mũi xoang là do virus, nhiễm cảm lạnh thông thường. Khi bị cảm lạnh, chất dịch nhầy đặc lại, dính và khó thoát ra ngoài, nếu không được làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Phương, bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mũi xoang. Các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh gồm tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, bất thường cấu trúc mũi xoang (polyp mũi, lệch vách ngăn, quá phát cuốn mũi…), cơ địa viêm mũi dị ứng, hen suyễn, thay đổi áp suất đột ngột (lặn xuống biển).
Người bệnh nên uống nhiều nước để làm loãng chất nhầy, rửa mũi xoang thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc không kê đơn. Kê cao đầu khi ngủ, đắp khăn ẩm, ấm lên mặt để giảm đau, tập thể dục nhẹ nhàng… cũng góp phần cải thiện bệnh.
Người bệnh không nên thực hiện các hoạt động tạo áp lực cho xoang như lặn biển, đi máy bay, tiếp xúc với tác nhân dị ứng, khói bụi, khói thuốc lá. Tránh rượu và đồ lạnh khi mắc bệnh viêm mũi xoang để nghẹt mũi không chuyển nặng hơn.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, nguyên nhân gây bệnh cũng như mong muốn của người bệnh, bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc như kháng sinh, kháng viêm, thuốc làm tan chất nhầy, thuốc thông mũi. Phẫu thuật được chỉ định khi các triệu chứng viêm xoang mạn tính tái phát nhiều lần và điều trị nội khoa không hiệu quả.
Bác sĩ Phương cho biết có hai phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm mũi xoang là phẫu thuật nội soi mũi xoang và mổ mở. Trong đó phẫu thuật nội soi mũi xoang ít xâm lấn, không cần rạch da, ít chảy máu, bệnh nhân nhanh hồi phục.
Bác sĩ Phương lưu ý thời tiết vào dịp cận Tết có xu hướng trở lạnh, bụi và phấn hoa trong không khí cũng tăng lên, người bệnh cần đeo khẩu trang khi ra đường, choàng khăn ấm và bịt tai khi thời tiết lạnh, rửa tay thường xuyên. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà và vệ sinh máy định kỳ giúp tránh nấm mốc sản sinh, phòng bệnh viêm mũi xoang.
Khi triệu chứng kéo dài dai dẳng, người bệnh nên khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị đúng cách, phòng biến chứng nguy hiểm.
Khánh Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |