Người trưởng thành có thể bị cảm lạnh từ 2-3 lần/năm, trong khi trẻ em thì nhiều hơn. Cảm lạnh thường sẽ hết sau 7-10 ngày. Nếu cảm lạnh vẫn kéo dài quá thời gian này thì nguyên nhân có thể do những vấn đề sức khỏe khác.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên cần nhắc đến khi cảm lạnh kéo dài là mắc loại cảm lạnh mới. Cảm lạnh do virus gây ra. Khi mắc bệnh, phản ứng miễn dịch sẽ được kích hoạt để tiêu diệt mầm bệnh. Nhưng ngay sau đó, người bệnh hoàn toàn có thể tiếp tục bị cảm lạnh nhưng do một loại virus cảm lạnh mới gây ra, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Ngoài ra, các triệu chứng cảm lạnh kéo dài còn có thể do những vấn đề sức khỏe sau:
Tác dụng phụ của thuốc
Ho thường là triệu chứng cuối cùng của cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài không khỏi thì nguyên nhân có thể không phải do cảm lạnh mà do tác dụng của thuốc. Trên thực tế, ho khan không khỏi thường là tác dụng phụ của thuốc ức chế men chuyển ACE, chẳng hạn như lisinopril, benazepril và ramipril.
Dấu hiệu để nhận biết tình trạng này là ngoài ho, người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào khác như nghẹt mũi, đau họng hoặc căng tức xoang mũi.
Dị ứng
Sau thời gian 7-10 ngày bị cảm lạnh, người bệnh vẫn tiếp tục bị chảy nước mũi và ho thì nguyên nhân có thể là do dị ứng. Tùy vào thời điểm trong năm mà các triệu chứng dị ứng có thể kéo dài và kèm theo ngứa mắt, chảy nước mắt.
Viêm xoang
Đôi khi, khi các triệu chứng cảm lạnh bắt đầu khỏi thì các triệu chứng như căng tức xoang mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, sốt lại xuất hiện. Điều này là do cảm lạnh gây chảy nước mũi, nghẹt mũi và đây trở thành điều kiện tốt để vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm xoang. Tình trạng này thường xảy ra từ 10 đến 14 ngày sau khi bắt đầu bị cảm lạnh. Người mắc cần được điều trị bằng thuốc.
Hen suyễn hay COPD
Nếu đã qua 10 ngày bị cảm lạnh nhưng người mắc vẫn bị ho kèm theo thở khò khè không khỏi thì có thể là do hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Hen suyễn thường được phát hiện sớm ngay từ khi còn nhỏ, trong khi một số trường hợp lại phát hiện khi đã trưởng thành. COPD lại hay xuất hiện ở người lớn tuổi, đặc biệt là người hút thuốc, theo Medical News Today.
Nguồn: https://thanhnien.vn/4-van-de-suc-khoe-de-tuong-nham-la-cam-lanh-keo-dai-185250107153653227.htm