Trẻ bị sổ mũi dai dẳng, ù tai khi vào phòng máy lạnh
Ròng rã 6 tuần qua, đứa con gái út 4 tuổi của chị Trần Thanh (ngụ TP.HCM) liên tục sổ mũi, ù tai. Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân do đường ống tai của bé ngang nên dễ đưa vi rút từ mũi họng sang tai, gây viêm tai giữa.
Dù bé được chăm sóc, uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ nhưng tình trạng trên tái diễn sau một tuần hết bệnh.
Qua thăm hỏi nhiều người bị viêm tai giữa từ nhỏ, chị Thanh được biết họ cũng gặp tình trạng tương tự con gái út.
Hằng ngày, gia đình chị vệ sinh nhà cửa thật kỹ nhưng tình trạng bệnh của con vẫn không thuyên giảm, nên đành chấp nhận “sống chung với lũ”.
TS.BS Nguyễn Ngọc Minh – phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam – cho biết viêm tai giữa ở trẻ em (dưới 16 tuổi) là bệnh lý phổ biến và có những đặc điểm riêng, không giống người lớn. Trẻ càng nhỏ thì tỉ lệ mắc viêm tai giữa càng nhiều.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Minh tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm tai giữa. Những trẻ này được phụ huynh đưa đi khám kèm theo một số bệnh khác như viêm VA, viêm amidan, viêm mũi xoang… Bệnh nhi sẽ được bác sĩ điều trị cùng lúc các bệnh mà trẻ mắc phải.
Xảy ra sau viêm mũi họng cấp nhưng điều trị không đúng
Nói về nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em, bác sĩ Minh cho hay chúng thường xảy ra sau đợt viêm mũi họng cấp do nhiễm siêu vi, hay nhiễm trùng, dị ứng… Khi trẻ bị viêm mũi họng cấp tính nhưng điều trị không đúng mức và đầy đủ thì chuyển sang qua viêm tai giữa.
“Kết cấu giải phẫu từ đường mũi đến tai ở trẻ nhỏ rất gần nhau và thông qua một con đường gọi là vòi nhĩ. Vòi nhĩ này xuất phát từ vùng mũi họng, qua tai để đảm bảo chức năng thông khí của tai, hay dẫn lưu dịch tiết từ tai xuống họng.
Chính con đường này, khi bé bị viêm mũi do siêu vi hoặc nhiễm trùng thì có thể lan đi đến vùng tai và gây viêm tai giữa”, bác sĩ Minh giải thích.
Bác sĩ Minh cho biết thêm viêm tai giữa giai đoạn đầu thường xuất hiện sau viêm mũi họng khoảng 7-10 ngày. Nếu tình trạng này không khỏi gọi là viêm tai giữa cấp tính. Nếu vẫn kéo dài đến một tháng thì gọi là viêm tai giữa bán cấp hoặc mãn tính.
Hậu quả viêm tai giữa cấp tính sẽ gây tai của trẻ sưng, đau, nhức, nghe kém, lùng bùng. Ở trẻ nhỏ, do chưa nhận thức rõ và nói được nên trẻ thường có biểu hiện quấy khóc, lấy tay ngoáy vào tai vì khó chịu, đau đớn.
Một số trẻ còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa với triệu chứng tiêu chảy, do vi khuẩn gây bệnh lan xuống hệ tiêu hóa, gây rối loạn đường ruột. Trường hợp này chỉ gặp trẻ bị viêm tai giữa cấp tính vì nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, một số yếu tố thuận lợi như trẻ dùng máy lạnh thường xuyên hay vệ sinh kém (hay ngậm tay, ngậm đồ chơi…) càng dễ gây viêm mũi họng và chuyển biến qua viêm tai giữa.
Trẻ nhỏ phòng tránh viêm tai giữa thế nào?
Để phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ em, bác sĩ Minh khuyến cáo việc hàng đầu là phải giữ cơ thể bé không bị cảm nhiễm (lạnh, mưa gió) và nhiệt độ phòng ở mức vừa phải, thông thoáng (không cho trẻ ngủ máy lạnh ở nhiệt độ thấp thường xuyên, thường xuyên vệ sinh nhà cửa…).
Đồng thời, tránh môi trường ô nhiễm (khói thuốc lá, nhà có xưởng sản xuất, hóa chất…) vì dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Một số thói quen xấu, kém vệ sinh của bé cần tránh như tay bẩn hay ngậm đồ chơi vào miệng, vì đây là môi trường làm lây nhiễm nhiều vi trùng độc hại, gây viêm tai giữa.
Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý chế độ ăn cho trẻ cũng rất quan trọng, giúp phòng bệnh hô hâp và viêm tai. Chế độ uống sữa, ăn giặm… ở trẻ nhỏ phải đúng nguyên tắc và hướng dẫn, tránh trẻ bị dị ứng hay kém hấp thu, rối loạn dinh dưỡng vì sẽ dễ gây bệnh viêm tai giữa hơn.
Khi trẻ có các dấu hiệu viêm mũi họng, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh chuyển ảnh hưởng đến tai. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc vô tội vạ, nhất là các thuốc kháng sinh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tre-nho-bi-u-tai-giam-thinh-luc-vi-bi-viem-tai-giua-20240624175211394.htm