ThS Nguyễn Thị Linh, phó trưởng khoa bệnh nhiệt đới – tiêu hóa nhi (Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh), cho biết viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi.
Cấu tạo của tai được chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, tai giữa nằm ở phía sau màng nhĩ. Tai giữa gồm có hòm tai, vòi nhĩ (vòi thông từ tai giữa xuống mũi họng) và sào bào (tế bào lớn nhất ở trong xương chũm).
Viêm tai giữa cấp là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa.
Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh?
Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa cấp thường là nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc vi rút trong tai giữa gây ra. Tình trạng nhiễm trùng cũng thường xảy ra do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau (viêm VA), vùng họng và vòi nhĩ.
Theo bác sĩ Linh, biểu hiện của viêm tai giữa cấp ở từng giai đoạn có những triệu chứng khác nhau. Diễn biến bệnh chia làm 3 giai đoạn. Bệnh thường diễn ra trong hoặc sau khi bệnh nhân bị viêm mũi họng cấp.
– Giai đoạn đầu: Trẻ có biểu hiện ù tai nhẹ, đau tai. Giai đoạn này soi tai thấy màng nhĩ bị sung huyết.
– Giai đoạn 2: Là giai đoạn ứ mủ ở tai giữa. Trẻ lớn có thể kêu đau tai nhiều, nghe kém, ù tai, trẻ nhỏ thường quấy khóc bứt rứt, hay dụi tai… Trong giai đoạn này thường có thêm những triệu chứng toàn thân như sốt cao, rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, đi ngoài phân lỏng nước…
– Giai đoạn 3: Mủ ở trong tai giữa căng lên và chảy ra ngoài, dịch mủ có mùi hôi. Lúc này các triệu chứng ù tai, đau tai giảm đi nhưng xuất hiện mủ chảy ra ngoài.
Thường lỗ thủng do viêm tai giữa cấp tự liền. Khi lỗ thủng tồn tại có thể trở thành viêm tai giữa mãn tính.
Cảnh giác nguy cơ biến chứng
Bác sĩ Linh cho biết thêm, điều trị viêm tai giữa cấp bao gồm điều trị giảm đau, điều trị triệu chứng, điều trị sử dụng kháng sinh toàn thân hoặc tại chỗ.
Bác sĩ sẽ quyết định sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa cấp tùy thuộc vào từng giai đoạn, nguyên nhân của bệnh sau khi thăm khám.
Có những trường hợp cần dùng kháng sinh ngay từ đầu. Trong trường hợp bệnh nhân chưa cần dùng kháng sinh, việc điều trị sẽ tập trung vào triệu chứng và theo dõi sau 48-72 giờ đánh giá lại.
Viêm tai giữa cấp thường xuất hiện cùng viêm mũi họng. Do đó bệnh nhân cần được điều trị viêm mũi họng kèm theo.
Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, viêm tai giữa cấp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm ít gây biến chứng.
Một trong những biến chứng của viêm tai giữa cấp là viêm xương chũm cấp. Biến chứng này thường xảy ra trên cơ địa bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc không được điều trị đúng cách.
“Việc điều trị viêm tai giữa cấp không đúng cách có thể gây viêm tai giữa ứ dịch kéo dài bán cấp hoặc mãn tính, nhiều trường hợp có thể để lại lỗ thủng ở màng nhĩ gây nghe kém, thoái hóa dần dần niêm mạc tai giữa. Do đó nếu có dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa cấp, phụ huynh có thể cho con tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, để phòng ngừa bệnh viêm tai giữa cấp nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng xung quanh, vận động khoa học để tăng cường sức đề kháng.
Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi và thuốc lá.
Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng cúm, phế cầu là các bệnh hay mắc phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ.
Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu, không nên ngủ và bú sữa bình tránh sặc, trớ.
Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp, không để bệnh diễn biến nặng sẽ điều trị khó khăn và khó phục hồi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tre-bi-viem-tai-giua-cap-co-nguy-hiem-khong-20240923224851546.htm