Cẩn trọng khi sử dụng máy lạnh
Những ngày gần đây, thời tiết tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều người bị mắc các bệnh đường hô hấp… Việc sử dụng máy lạnh sai cách dẫn đến dễ mắc bệnh lý về đường hô hấp.
Anh V.H. (35 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến bệnh viện thăm khám với các biểu hiện đau đầu, xoang nhức buốt, nước mũi chảy ròng ròng, hắt xì hơi liên tục.
Kết quả nội soi mũi họng ghi nhận niêm mạc mũi của anh phù nề, khe mũi đọng ít dịch nhầy. Bác sĩ chẩn đoán bị xoang cấp tính, được điều trị nội khoa và tái khám để theo dõi.
Anh H. cho hay đã bị viêm xoang hai năm nay và thường ngồi máy lạnh liên tục ở văn phòng 8 tiếng với nhiệt độ lạnh 22 độ C. Ban đêm, anh cũng ngủ trong phòng máy lạnh khoảng 25 độ C.
Bác sĩ Hồ Tôn Phương Nga – phó trưởng khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM – cho biết việc sử dụng máy điều hòa, máy lạnh là rất cần thiết trong thời tiết cực đoan như hiện nay.
Khi sử dụng máy lạnh nên để ở nhiệt độ vừa phải, không để nhiệt độ bên ngoài môi trường và trong phòng chênh lệch nhau quá 10 độ C.
Ví dụ, nhiệt độ bên ngoài khoảng 37 – 38 độ C, trong phòng nên chỉnh nhiệt độ 26 – 27 độ C, với trẻ em nhiệt độ không nên dưới 20 độ C.
“Nếu để nhiệt độ từ môi trường chênh lệch nhiệt độ phòng quá lớn, hệ hô hấp sẽ xáo trộn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lý, cúm, viêm phổi tái phát…”, bác sĩ Nga cho hay.
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ – trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) – cho biết vào mùa nắng nóng người già và trẻ em là nhóm người mắc nhiều bệnh lý và dễ trở bệnh nặng hơn khi thay đổi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Một số loại bệnh thường gặp và dễ trở nặng ở người lớn tuổi trong mùa nắng nóng như: hen, tắc nghẽn phổi mãn tính, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim…
Đặc biệt lưu ý vào mùa nóng gia đình nhà nào cũng có quạt hơi nước, máy lạnh, tuy nhiên cần lưu ý nếu đột ngột ra ngoài khi nhiệt độ phòng và nhiệt độ môi trường chênh lệch quá lớn có thể dẫn đến sốc nhiệt hoặc choáng.
Do đó, trước khi đi từ môi trường có nhiệt độ thấp nên ngồi khu vực mát trước để cơ thể thích nghi, sau đó mới bước ra ngoài.
Chú ý viêm xoang dễ tái phát khi sử dụng máy lạnh sai cách
Bác sĩ Trương Trí Tường – trung tâm tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM – cho biết khi bật máy lạnh, không khí trong phòng sẽ mất độ ẩm tự nhiên, trở nên quá khô, thân nhiệt bị giảm gây mất cân bằng sinh nhiệt thích ứng của cơ thể.
Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, vi rút tấn công gây các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt bệnh viêm xoang và làm trầm trọng thêm các biểu hiện của bệnh.
Không khí quá khô còn gây khô niêm mạc mũi, gây ảnh hưởng đến khả năng làm sạch của mũi xoang, gia tăng nguy cơ viêm xoang tái phát.
Bác sĩ Tường lưu ý người viêm xoang sử dụng máy lạnh trời nắng nóng thì không nên để nhiệt độ thấp (15 – 16 độ C), chỉ nên để nhiệt độ phòng khoảng 26 – 27 độ C, không nên thay đổi nhiệt độ máy lạnh đột ngột, không vào phòng máy lạnh ngay sau khi đi ngoài trời nắng, nên vệ sinh máy lạnh thường xuyên.
Người bệnh có thể làm tăng độ ẩm hoặc bù ẩm trong phòng sử dụng máy lạnh bằng cách đặt chậu nước, dùng máy phun sương tạo ẩm…
Để cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng máy lạnh thường xuyên, người bệnh nên uống đủ nước (2 lít/ngày) giúp cơ thể không bị thiếu nước, điều này cũng giúp làm loãng dịch nhầy, dễ lưu thông đường thở.