SGGPO
Theo Sở Y tế TPHCM, vaccine DPT-VGB-HiB được cấp lần gần nhất vào tháng 10-2022 và đã hết từ đầu tháng 3-2023, vaccine DPT được cấp lần gần nhất là tháng 2-2023 và đã hết từ đầu tháng 5-2023.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ |
Ngày 16-5, Sở Y tế TPHCM cho biết, đến 15-5, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine phối hợp 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu – ho gà – uốn ván hấp phụ) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) .
Theo Sở Y tế TPHCM, vaccine DPT-VGB-HiB được cấp lần gần nhất vào tháng 10-2022 và đã hết từ đầu tháng 3-2023, vaccine DPT được cấp lần gần nhất là tháng 2-2023 và đã hết từ đầu tháng 5-2023. Các loại vaccine khác trong Chương trình TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.
Cụ thể, đến cuối tháng 5-2023, thành phố sẽ hết các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6-2023, sẽ hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7-2023 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; đến tháng 8-2023 sẽ hết vaccine uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9-2023 sẽ hết vaccine sởi và rubella (MR).
Từ trước đến nay, hàng tháng, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) báo cáo dự trù vaccine trong Chương trình TCMR cho Dự án TCMR khu vực phía Nam (do Viện Pasteur TPHCM đảm trách) và được cung ứng vaccine từ Viện mỗi 2 tháng.
Lần gần nhất, HCDC nhận vaccine là ngày 24-4-2023 (gồm các vaccine BCG, bOPV, Viêm não Nhật Bản, sởi, uốn ván và viêm gan B).
Theo Sở Y tế TPHCM, tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình TCMR như hiện nay tại TPHCM là bất khả kháng, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định để tiêm chủng các loại vaccine hiện còn; đồng thời lập danh sách trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm để mời ra tiêm ngay khi các vaccine được cung ứng trở lại.
“Rất mong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình TCMR”, đại diện Sở Y tế TPHCM kiến nghị và cho rằng vaccine thuộc Chương trình TCMR đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, vaccine cần phải được tiêm đúng lịch và đủ liều. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn thì trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể.
Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.
Sau một thời gian thí điểm, Chương trình TCMR từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng. Từ năm 1985 tới nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR.
Đến năm 2010, đã có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình TCMR, bao gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.