Xác định rõ mục tiêu phát triển
Ngày 22/6, tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề), các đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất thông qua hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại kỳ họp, trên cơ sở các hành lang quốc gia và vùng, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 2 kịch bản phát triển không gian.
Cụ thể, với kịch bản 1, thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành một khu vực đô thị trung tâm (gồm 16 quận), một thành phố Thủ Đức là đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).
Với kịch bản 2, thành phố Hồ Chí Minh hình thành một khu vực đô thị trung tâm (gồm 15 quận), một thành phố Thủ Đức và 2 đô thị song hành gồm Củ Chi – Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè – Quận 7 – Cần Giờ.
Trong đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chọn kịch bản 1 vì tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của thời kỳ quy hoạch và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của thành phố.
Từ đó, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh ở các lĩnh vực. Về tính chất đồ án quy hoạch thành phố, theo Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân, đồ án này là cơ sở bao trùm các quy hoạch khác gồm kể cả quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành.
Do đó, cần rà soát để đảm bảo sự tương hợp, tương thích phù hợp về vai trò của đồ án với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành đã được thông qua.
Trong khi đó, Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng: “Để đạt được hiệu quả thì sự tham gia của người dân vào quá trình triển khai và giám sát quy hoạch là yếu tố then chốt”
Vì vậy, cần thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát độc lập nhằm đảm bảo mọi quyết định và hành động của các cơ quan chính quyền đều tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Các thông tin liên quan đến quy hoạch, các quyết định thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận và giám sát.
Nổi bật hơn, các đại biểu cũng tập trung thảo luận đối với nhóm vấn đề dân sinh được dư luận quan tâm. Đại biểu Phạm Đăng Khoa đề xuất tính toán lại quỹ đất cho giáo dục; đồng thời đề xuất phải có công nghiệp giáo dục, có tâm thế phát triển, giao lưu công nghiệp giáo dục, hướng đến xuất khẩu giáo dục.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, đến năm 2030, huyện Củ Chi cần tổng số giường bệnh khoảng 4.200 giường để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với tốc độ tăng dân số đến năm 2030, huyện Củ Chi cần bổ sung thêm khoảng 2.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân trên địa bàn huyện.
Từng bước đưa huyện lên thành phố
Trình bày tiếp thu ý kiến từ đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: “Đến năm 2030, 5 huyện ngoại thành không lên thành phố nhưng được đầu tư hạ tầng để đạt đô thị loại III, sau đó mới xem xét mô hình phù hợp”.
Theo ông Mãi, từ nay đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên 22 đơn vị hành chính và đô thị, bao gồm đô thị trung tâm ở khu hiện hữu, thành phố Thủ Đức, 16 quận, 5 huyện.
Giai đoạn này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ gia tăng nội lực cho các đô thị, đơn vị hành chính. Trong đó, địa phương tập trung định hình rõ nét mô hình thành phố trong thành phố đối với thành phố Thủ Đức. Với 5 huyện sẽ đầu tư hạ tầng để các địa phương đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
Theo quy định, đô thị loại III phải đạt một số tiêu chuẩn như: quy mô dân số toàn đô thị từ 150.000 người trở lên; mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị từ 6.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị tối thiểu đạt 75% so với tổng số lao động…
Cũng theo ông Mãi, thành phố Thủ Đức “cần được gia cố thêm” để hoàn thiện mô hình thành phố trong thành phố.
Điều này đảm bảo phù hợp quy hoạch chung giai đoạn 2030-2040 là thành phố Hồ Chí Minh có 5 vùng đô thị (trung tâm, Thủ Đức, khu Nam, Tây Bắc, Tây Nam). Riêng huyện Cần Giờ sẽ được nghiên cứu thêm để xác định là một khu riêng biệt hay nằm trong khu Nam.
“Sau năm 2030, nếu mô hình thành phố trong thành phố phát huy hiệu quả thì ba vùng gồm khu Nam, Tây Bắc, Tây Nam sẽ được tổ chức mô hình tương tự như thành phố Thủ Đức”, ông Mãi nói.
Thành phố Hồ Chí Minh xác định giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng GRDP 8,5-9%. Ông Mãi nhìn nhận đây là một thách thức với Thành phố nhưng phải phấn đấu thực hiện, làm nền tảng để thành phố Hồ Chí Minh đạt tăng trưởng hai con số sau năm 2030.
Để làm được điều này, thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch thực hiện cụ thể, quyết định danh mục đầu tư trọng điểm, có giải pháp đột phá và bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung tháo gỡ hiệu quả 9 nhóm điểm nghẽn đã đề ra.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-thong-nhat-phuong-an-quy-hoach-5-huyen-thanh-5-do-thi-ve-tinh-a669544.html