Hà Nội định hướng xây dựng hai thành phố phía Bắc và Tây với kỳ vọng tạo ra cực tăng trưởng mới, tuy nhiên mô hình này sẽ gặp không ít thách thức, theo các chuyên gia quy hoạch.
Sau 15 năm mở rộng, 12 năm thực hiện quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội vẫn không đạt mục tiêu giãn dân và giảm áp lực hạ tầng nội đô. Trong khi 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn trong tình trạng quy hoạch “treo”, dân số thành phố đã vượt ngưỡng dự báo gần một triệu, khoảng 8,5 triệu, khiến hạ tầng đô thị ngày càng quá tải.
Hai thành phố trực thuộc Thủ đô
Trong tờ trình gửi HĐND thành phố đầu tháng 7 về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các đô thị vệ tinh, tuy nhiên đề xuất mô hình “thành phố trong thành phố”, với thành phố phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô.
Thành phố phía Bắc sông Hồng rộng 633 km2, gồm ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu. Trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 năm 2011 (quy hoạch 1259), Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh, nhưng nay thành phố phía Bắc sẽ bao trùm. Thành phố sẽ khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng.
Thành phố phía Tây rộng 251 km2, bao trùm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu. Thành phố phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái.
Hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây.
Theo giải thích của lãnh đạo Hà Nội, mô hình trên sẽ thu hút nguồn lực đầu tư tập trung vào hai đô thị lớn thay vì 5 đô thị vệ tinh như bản quy hoạch 1259. Đồng thời, thành phố trực thuộc Thủ đô là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong kêu gọi đầu tư nhờ tính độc lập.
Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội – cơ quan tổ chức nghiên cứu, giải thích lý do chọn thành phố phía Bắc là tận dụng tiềm năng của sân bay Nội Bài, lợi thế của trục kinh tế Nhật Tân – Nội Bài. Đây là đô thị cửa ngõ của Hà Nội trong hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng – Quảng Ninh. Khu vực có quỹ đất đủ lớn và cận kề các tuyến giao thông lớn.
Với thành phố phía Tây, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được quy hoạch thành trung tâm đầu não khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Thành phố mới sẽ tập trung các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trung tâm thí nghiệm, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Xuân Mai được xác định là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục.
Cả hai đô thị đều có quỹ đất, tiềm năng phát triển và thuận lợi kết nối giao thông với đô thị trung tâm và các tỉnh lân cận. Khu vực phía Tây có sẵn cơ sở hạ tầng cấp quốc gia như Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và có sân bay quân sự Hòa Lạc, Miếu Môn có thể bổ sung chức năng dân dụng.
Đồng tình nghiên cứu thành phố trong Thủ đô, TS.KTS Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận xét Hà Nội rộng hơn 3.000 km2 và với quy mô gia tăng dân số như hiện nay rất thuận lợi để thành lập thành phố bên trong.
Xu hướng thế giới là số người sống trong đô thị nhiều hơn ở nông thôn, đô thị dần to ra, có nhu cầu thành lập riêng đơn vị hành chính. Đó là nhu cầu phát triển tất yếu, sinh ra mô hình thành phố trong thành phố, giảm tải cho đô thị trung tâm. Thành phố đó cần có bộ máy hành chính mới để quản lý, phát triển đúng mục tiêu.
Kinh nghiệm các nước cho thấy khi đô thị hóa 60-80% thì phát triển tốt, tự quản trị được, có chia sẻ thuế với chính quyền cao hơn. Bản chất vùng có nhiều đô thị vệ tinh để không bị sức ép của giao thông, ô nhiễm môi trường, giáo dục, y tế.
Thách thức khi lập thành phố trong thành phố
Theo quy định, đô thị là thành phố thuộc thành phố trung ương phải có quy mô dân số từ 500.000 trở lên, nội thành từ 200.000 người trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; nội thành từ 85% trở lên.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, tỷ lệ đất nông nghiệp huyện Mê Linh, Sóc Sơn còn khá lớn. Huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp chiếm 60% tổng diện tích đất tự nhiên, có cả đất rừng phòng hộ, nên lao động phi nông nghiệp chỉ đạt khoảng 40%, không thể đạt theo tiêu chuẩn cấp đô thị.
Ông Nghiêm cho rằng thành phố phía Bắc bao gồm 3 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh với diện tích 633 km2 là quá rộng, có sự chênh lệch đô thị hóa, sẽ khiến nguồn lực đầu tư bị phân tán. Ông đề xuất Đông Anh trở thành thành phố trung tâm mới phía Bắc thay vì Sóc Sơn.
“Thực hiện mô hình thành phố trong Thủ đô sẽ thuận lợi, tạo động lực song cần có lộ trình thích hợp. Cần đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa lên trên hết thay vì chú trọng cái tên và thay con dấu cơ quan hành chính”, ông Nghiêm nói.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng cho rằng huyện Đông Anh đủ điều kiện là quận, còn Sóc Sơn, Mê Linh chưa đạt. Nâng cấp ba huyện này lên thành phố sẽ rất khó khăn, phụ thuộc tốc độ đô thị hóa. Thời gian để một quận, huyện lớn trở thành thành phố trực thuộc có thể kéo dài và cần có lộ trình.
Nhìn từ vị trí thành phố, KTS Ngô Trung Hải nhận định lập thành phố mới ở phía Bắc có nhiều điểm bất lợi cho tổng thể Hà Nội. Bởi vùng lõi Thủ đô sẽ thiếu trung tâm tài chính, triển lãm vì đã quy hoạch ở huyện Đông Anh. Sân bay Nội Bài sẽ không còn do Thủ đô Hà Nội quản lý mà nằm trong thành phố mới, do chính quyền khác quản lý.
Hơn nữa, nếu Hà Nội quy hoạch sông Hồng trở thành trục cảnh quan giữa thành phố thì vẫn cần một chính quyền quản lý cả khu vực Bắc, Nam sông Hồng.
Thời điểm Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011 chưa có mô hình thành phố trong thành phố. Đến năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về phân loại đô thị và Nghị quyết về tiêu chuẩn đơn vị hành chính mới xác định và công nhận có thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, chỉ có Thủ Đức là thành phố trong TP HCM có tính đặc thù là đô thị đã có quá trình phát triển.
Cần chính sách thu hút đầu tư tạo đòn bẩy
Để mô hình thành phố trong Thủ đô có tính khả thi, ông Nghiêm cho rằng Hà Nội cần học tập từ kinh nghiệm của TP Thủ Đức, nhìn ra định hướng phát triển hai thành phố trong tương lai cụ thể hơn để có chính sách tạo nguồn lực. Các thành phố mới cần có chính sách phát triển kinh tế, tạo sức hút từ việc làm, tạo ra nơi ở mới tốt hơn cho người dân thì mới giảm tải cho nội đô.
Theo KTS Ngô Trung Hải, thành phố mới của Hà Nội cần có chính quyền thực sự để vực các khu vực này. Chính quyền Hà Nội cần thận trọng nghiên cứu phương án thành phố mới ở phía Bắc hay phía Tây, sau đó xây dựng quy trình lập thành phố mới trực thuộc thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cần có các chính sách thu hút đầu tư, cơ chế tạo thành đòn bẩy chứ không phải thành lực cản.
Tham gia xây dựng quy hoạch chung 1259, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, KTS Trần Ngọc Chính vẫn đánh giá bản quy hoạch này “có tầm nhìn tốt”, do vậy cần kế thừa một số định hướng như mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Đây là mô hình phù hợp thực tiễn Hà Nội, dựa trên kinh nghiệm phát triển ở các thành phố như Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)…
“Các thành phố mới vẫn có đô thị vệ tinh nằm bên trong với chức năng riêng và đều nhằm giãn dân ra khỏi đô thị trung tâm”, ông Chính nói.
Để xây dựng đô thị vệ tinh trở thành nơi sống lý tưởng, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội cần dành nguồn lực kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt đầu tư đường sắt đô thị, cao tốc giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh. Thành phố cần sớm có chính sách thu hút nhà đầu tư có năng lực để xây dựng những đô thị mới, đô thị chức năng theo quy hoạch đủ sức cạnh tranh với nội đô. Các đô thị vệ tinh có hạ tầng kỹ thuật và xã hội tốt sẽ thu hút người dân sinh sống, giảm tải cho nội đô.
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng đề nghị Hà Nội kiên định thực hiện mô hình chùm đô thị, là mô hình hiệu quả với thủ đô có quy mô rộng lớn. Thành phố cần cân đối nguồn lực đầu tư công đối với hạ tầng đô thị vệ tinh và có chính sách ưu đãi doanh nghiệp, người dân đến sinh sống.
Dẫn kinh nghiệm Nhật Bản, KTS Trịnh Việt A, chuyên gia kiến trúc quy hoạch, cho biết vùng Tokyo bao gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận vẫn có các đô thị vệ tinh lớn giúp giãn dân, cân bằng dân cư tập trung vào thủ đô.
Tokyo được quy hoạch dựa trên các tuyến tàu điện đô thị bao quanh khu vực trung tâm, các khu vực đô thị nén bố trí hài hòa cạnh các ga tàu. Hệ thống tàu điện ngầm cùng xe buýt đô thị phủ khắp khiến nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của cư dân nội đô rất thấp. Tại các đô thị nén trong trung tâm Tokyo, mặc dù mật độ dân số cao, nhiều nhà cao tầng nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông nhờ hệ thống giao thông công cộng thuận lợi.
Với Hà Nội, KTS Trịnhh Việt A cho rằng, chính quyền thành phố cần khẩn trương đầu tư mạng lưới giao thông công cộng trong nội đô và kết nối các đô thị vệ tinh, kiểm soát mật độ dân cư trong nội đô phù hợp với hạ tầng. “Hệ thống giao thông, hạ tầng cây xanh, mặt nước cần đáp ứng tăng dân số thì an sinh xã hội cho người dân mới đảm bảo”, ông Việt A nói.