TPHCM nâng cấp 5 huyện thành 5 đô thị vệ tinh hiện đại

TPHCM sẽ phát triển 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, tiến tới nâng cấp lên thành phố trực thuộc.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động01/02/2025

Một góc huyện Nhà Bè. Ảnh: Anh Tú

Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong vòng 5 năm tới, TPHCM là đô thị đặc biệt bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc. 

TP Thủ Đức (đô thị loại I) sẽ là đô thị song hành, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới.

5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ là các đô thị vệ tinh kiểu mới, cửa ngõ của TPHCM.

Sau năm 2030, TPHCM bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm: Khu vực đô thị trung tâm; đô thị Thủ Đức; đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh; đô thị Quận 7 - Nhà Bè; đô thị sinh thái biển Cần Giờ.

Khu vực xây Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha. Ảnh: Minh Tâm

Trước đây, mô hình đô thị đa trung tâm từng được TPHCM triển khai với các quy hoạch như khu đô thị Nam Sài Gòn (Quận 7, Quận 8, Bình Chánh) và khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn).

Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, những khu đô thị này chưa phát triển như kỳ vọng.

Lần này, các đô thị vệ tinh kiểu mới sẽ được xây dựng theo hướng phát triển độc lập tương đối, đảm bảo cân bằng lao động tại chỗ, hạn chế tình trạng người dân di chuyển vào trung tâm để làm việc. Bên cạnh đó, mỗi đô thị sẽ có chức năng riêng, phù hợp với tiềm năng từng khu vực.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một đô thị vệ tinh đúng nghĩa phải có đầy đủ hạ tầng và dịch vụ như bệnh viện, trường học, giao thông, vui chơi giải trí... đảm bảo người dân có thể sinh sống và làm việc ngay tại chỗ mà không cần di chuyển vào trung tâm.

“Nếu hạ tầng không được đầu tư đầy đủ, người dân vẫn phải vào nội đô để sử dụng dịch vụ, khi đó mô hình đô thị vệ tinh sẽ không còn ý nghĩa” - ông Sơn nói.

Do đó, theo ông Sơn, từ nay đến năm 2030, các huyện cần tập trung phát triển hạ tầng trước, từ giáo dục, y tế đến giao thông, rồi mới tính đến việc chuyển đổi mô hình đô thị.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh qua huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Các huyện hiện từng bước chuẩn bị cho sự chuyển đổi này. Tại huyện Nhà Bè, Bí thư Huyện ủy Dương Thế Trung cho biết, địa phương đang nghiên cứu quy hoạch mới để tận dụng tối đa cơ hội phát triển.

Nhà Bè xác định lợi thế lớn của mình là hệ thống cảng biển, do đó sẽ đầu tư mạnh vào logistics, trung tâm triển lãm và các trục động lực phát triển.

Huyện cũng sẽ khai thác quỹ đất để thu hút đầu tư, xây dựng đô thị vệ tinh hiện đại, hướng đến mô hình kiểu mẫu và sẵn sàng nâng cấp thành thành phố trực thuộc TPHCM trong tương lai, kết hợp cùng Quận 7. Huyện đang xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai cụ thể.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho rằng, quy hoạch mới là cơ hội lớn để đẩy nhanh phát triển, hiện thực hóa Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào ba dự án trọng điểm, đóng vai trò đòn bẩy phát triển: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cầu Cần Giờ; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (rộng 2.870 ha).

Laodong.vn

Nguồn:https://laodong.vn/bat-dong-san/tphcm-nang-cap-5-huyen-thanh-5-do-thi-ve-tinh-hien-dai-1456962.ldo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available