Quân đội Ukraine tuyên bố rút khỏi Adviivka hôm 17.2, vài ngày trước cột mốc 2 năm tròn kể từ khi xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2.2022. Quyết định này cũng được đưa ra giữa lúc lực lượng Kyiv đang thiếu đạn dược trầm trọng do viện trợ quân sự mới của Mỹ đã bị trì hoãn tại quốc hội nước này suốt nhiều tháng qua.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị Ukraine vẫn cố thủ tại nhà máy than cốc ở Avdiivka, bước tiến tại đô thị này là bước tiến lớn nhất của Moscow kể từ khi kiểm soát thành phố Bakhmut vào tháng 5 năm ngoái, theo Reuters. Cả Avdiivka và Bakhmut đều thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine, và Avdiivka cách không xa thủ phủ cùng tên của tỉnh này, nơi Lực lượng ly khai thân Nga đang kiểm soát.
Tổng thống Nga, Mỹ lên tiếng sau thắng lợi của Moscow ở miền đông Ukraine
Diễn biến ở Avdiivka cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cục diện cuộc chiến đã chuyển sang hướng có lợi cho Moscow, sau khi một chiến dịch phản công quy mô lớn đã không giúp Ukraine chọc thủng được phòng tuyến của Nga vào năm ngoái.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17.2 đã chúc mừng các đơn vị quân đội và chỉ huy của các đơn vị này về việc chiếm được Avdiivka. Theo thông cáo đăng trên website Điện Kremlin, ông Putin đã nhận được báo cáo về tình hình ở Avdiivka từ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
“Nguyên thủ quốc gia đã chúc mừng thành công này của binh sĩ Nga, một thắng lợi quan trọng”, thông cáo cho hay.
Các hãng thông tấn Nga đăng tải nội dung bức điện trong đó ông Putin gửi lời cảm ơn đến thượng tướng Andrei Mordvichev, chỉ huy nhóm quân “Trung tâm” của Nga ở Ukraine tham gia nỗ lực vây hãm Adviivka.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 17.2. Ông Biden cho biết ông “tin tưởng” quốc hội Mỹ sẽ thông qua viện trợ mới cho Kyiv, nhưng cũng cảnh báo rằng nếu không có sự giúp đỡ của Washington, Kyiv có thể mất thêm lãnh thổ vào tay Nga.
“Tôi đã nói chuyện với ông Zelensky chiều nay để cho ông ấy biết tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhận được số tiền đó”, ông Biden nói với các phóng viên sau khi ghé một nhà thờ ở bang Delaware (Mỹ), theo AFP.
Điểm xung đột: Mỹ lại ước tính tổn thất của Nga, Israel bác yêu cầu ‘ảo tưởng’ của Hamas
Ông nói việc các nhà lập pháp Mỹ không phê duyệt ngân sách để tiếp tục viện trợ quân sự cho Kyiv sẽ là “vô lý” và “phi đạo đức”, đồng thời cho biết: “Tôi sẽ đấu tranh để có được đạn dược mà họ cần”.
Một tuyên bố của Nhà Trắng cùng ngày về cuộc điện đàm cho hay Tổng thống Biden đã nhấn mạnh cam kết của Washington về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và nhắc lại tính cấp thiết của việc thông qua dự luật ngân sách tại quốc hội Mỹ.
Nhà Trắng cũng cho rằng Ukraine đã buộc phải rút quân khỏi Avdiivka “do nguồn cung bị suy giảm trong bối cảnh quốc hội Mỹ không hành động”. Tình thế này đã buộc binh lính Ukraine phải phân tán đạn dược và dẫn đến “thắng lợi đáng kể đầu tiên của Nga sau nhiều tháng”.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 17.2 cho biết ông đã thảo luận về triển vọng hòa bình với ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc, theo Reuters.
“Tôi đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thảo luận về quan hệ song phương, thương mại và sự cần thiết phải khôi phục hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine”, ông Kuleba viết trên X (trước đây là Twitter) về cuộc hội đàm của hai người bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức.
Ông Kuleba cho biết ông đã trao đối với ông Vương kế hoạch tổ chức hội nghị toàn cầu về hòa bình ở Ukraine mà Thụy Sĩ đã đồng ý làm nước chủ nhà. Ông cho biết hai bên “đã nhất trí về sự cần thiết phải duy trì liên lạc Ukraine – Trung Quốc ở mọi cấp độ và tiếp tục đối thoại”.