Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ai Cập.
Chức năng, nhiệm vụ của Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập
Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập (kiêm nhiệm Sudan, Nam Sudan, Palestine, Eritrea, Lebanon) trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ai Cập.
Thời gian qua, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đã luôn quan tâm đến việc phân tích tình hình thị trường, chính sách quản lý xuất nhập khẩu và chính sách kinh tế – thương mại, công nghiệp và đầu tư tác động đến Việt Nam; và đề xuất giải pháp, đối sách để làm tốt công tác xúc tiến thương mại, công nghiệp, đầu tư và lĩnh vực khác.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập tích cực triển khai hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai bên giao thương, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá. Đặc biệt, thương vụ thường xuyên có những khuyến cáo kịp thời đến doanh nghiệp xuất khẩu trong thanh toán và giải quyết tranh chấp khi ký kết hợp đồng xuất khẩu.
Mối quan hệ Việt Nam – Ai Cập tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. (Ảnh minh họa) |
Ai Cập là một quốc gia liên lục địa với phần lớn lãnh thổ nằm ở Bắc Phi và bán đảo Sinai thuộc Tây Á, là một trị trường với hơn 100 triệu dân. Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ truyền thống và hữu nghị. Quan hệ song phương được xây dựng trên nền tảng vững chắc là khát vọng chung giành độc lập, tự do và không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp. Trong suốt 60 năm qua, mối quan hệ Việt Nam – Ai Cập tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, về hợp tác kinh tế, thương mại, Ai Cập hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Bắc Phi. Ngoài ra, Việt Nam và Ai Cập có nhiều thế mạnh bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Cụ thể, với lợi thế là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) ở cấp độ khu vực, Việt Nam có thể là cầu nối cho hàng hóa và dịch vụ của Ai Cập.
Ngược lại, với vị trí đắc địa ở nơi giao nhau của ba châu lục là châu Á, châu Âu và châu Phi, đồng thời là thành viên Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), Ai Cập có thể hỗ trợ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tiếp cận các thị trường rộng lớn này một cách hiệu quả.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, Việt Nam là nước xuất siêu lớn sang Ai Cập, với tổng giá trị xuất khẩu từ 450 – 500 triệu USD/năm, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản nguyên liệu và thủy sản vào Ai Cập, do thuế nhập khẩu thấp. Ngược lại, một số mặt hàng tại Ai Cập khó cạnh tranh tại Việt Nam, do có thuế nhập khẩu cao.
Trong 11 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu đạt 429 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Một số mặt hàng chiếm thị phần cao của Việt Nam tại Ai Cập bao gồm: Hạt điều (77,1%), cơm dừa sấy khô (72,8%) và phi lê cá đông lạnh (96%).
Thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA Việt Nam – Ai Cập
Việt Nam – Ai Cập đang thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA Việt Nam – Ai Cập. Việc thiết lập FTA kỳ vọng sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh sang không chỉ Ai Cập mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Ở chiều ngược lại, nếu Ai Cập có FTA với Việt Nam, hàng hóa của Ai Cập sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên.
Tại Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á – châu Phi, diễn ra ngày 19/12 tại Nhật Bản, ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập là vô cùng tốt đẹp và Ai Cập cũng đang mong muốn mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á thông qua Việt Nam.
Ngoài ra, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, nền kinh tế Ai Cập cũng đang phát triển mạnh mẽ đi kèm nhu cầu thu hút đầu tư và vốn. Đặc biệt, giới chức Ai Cập đã có phản hồi tích cực với đề xuất đàm phán FTA từ Việt Nam và gần đây đã ký FTA với Serbia, dù quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này là không lớn.
Nhằm thúc đẩy đàm phán FTA Việt Nam – Ai Cập, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh tổ chức Phiên họp lần thứ 3 của Tiểu ban thương mại và công nghiệp, đồng thời phản hồi tích cực về đề xuất thành lập nhóm nghiên cứu thương mại chung. Ngoài ra, cần sớm tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cũng đề xuất Bộ Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về doanh nghiệp xuất khẩu theo ngành hàng và khu vực thị trường, đồng thời công bố danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng năm.
Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập (kiêm nhiệm Sudan, Nam Sudan, Palestine, Eritrea, Lebanon) Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ – ông Nguyễn Duy Hưng Địa chỉ: Ground floor 23 Mohamed El Ghazali, Dokki, Cairo, Egypt Điện thoại: 0020-2-3336-6598; 0020-122-124-8986 Email: [email protected] |
Nguồn: https://congthuong.vn/tong-quan-ve-thuong-vu-viet-nam-tai-ai-cap-367027.html