Tổn thương phổi sau nhiễm cúm A, lưu ý dấu hiệu cần nhập viện

Báo Giao thôngBáo Giao thông07/02/2025


Người già, trẻ nhỏ viêm phổi vì cúm A

Mới đây, các bác sĩ BV Đa khoa Medlatec đã tiếp nhận 3 bệnh nhân nhi là chị em trong một gia đình tại Hà Nội. Cả 3 có các triệu chứng sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi, diễn biến cấp tính tăng đã được gia đình đưa đi khám. Kết quả xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả dương tính với cúm A. 2/3 trẻ được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi.

Nhiều cơ sở y tế cũng ghi nhận số ca nhiễm cúm phải nhập viện điều trị tăng. Thông tin từ BV Sản nhi Nghệ An, tại đây liên tục tiếp nhận trẻ đến thăm khám với các triệu chứng sốt cao, sổ mũi, ho, trong đó khoảng 25% được chẩn đoán mắc cúm. Đặc biệt, một số trẻ nhập viện sau 3-4 ngày mắc bệnh và đã xuất hiện các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, làm kéo dài thời gian điều trị. Phần lớn các trường hợp này là do bố mẹ tự ý dùng thuốc điều trị cho trẻ tại nhà mà không có đơn kê của bác sĩ hoặc đưa trẻ đến khám muộn.

Tổn thương phổi sau nhiễm cúm A, lưu ý dấu hiệu cần nhập viện- Ảnh 1.

Một ca cúm A biến chứng nặng phải điều trị tích cực. (Ảnh: T.T).

Cùng trẻ nhỏ, người già nhiễm cúm cũng để lại nhiều hệ lụy. Tại BV Hữu nghị Việt Xô, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị viêm phổi từ sự tấn công của virus cúm A. Hiện đang trông mẹ điều trị tại đây, anh N.T.D (Hà Nội) cho biết: "Trước đó, mẹ tôi tự điều trị cúm tại nhà khoảng 1 tuần, những không những không đỡ, ho ngày càng nhiều, tình trạng khó thở nặng hơn, gia đình đã đưa đến cơ sở y tế thăm khám và được phát hiện mắc cúm A...". Tình trạng nặng lên kèm với có nhiều bệnh nền, mẹ anh D được đưa tới Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị để tiếp tục điều trị cúm A, nấm phổi và vi khuẩn đa kháng.

Không tự uống kháng sinh khi nhiễm cúm 

ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc, Chuyên khoa Nhi, BV Đa khoa Medlatec cho biết: Cúm A chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Virus cúm A có thể lây từ gia cầm mắc bệnh sang người khi có tiếp xúc gần, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là lây lan từ người sang người qua đường hô hấp.

Theo BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa có thể nói có độc lực thấp nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (như người già > 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...). Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng.

Ngoài ra, virus cúm A còn tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hàng ngày. Virus cúm có thể sống sót trên các bề mặt này đến 48 giờ, tạo điều kiện cho sự lây lan trong cộng đồng.

Người mắc cúm A sẽ có một số biểu hiện đặc trưng như: sốt cao, sốt kéo dài, đau họng, viêm họng, ho nhiều và kéo dài, ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, chảy nước mắt khi ra ngoài sáng. Trẻ em nhiễm bệnh rất dễ gặp tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh lý nền) có nguy cơ gặp phải các biến chứng như: viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai.

BS Ngọc khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến lâm sàng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra.

Liên quan đến dịch cúm A hiện nay, BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý: "Khi bị cúm, người dân không tự ý mua kháng sinh dùng bởi lẽ kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này. Đồng thời, không nên tự ý mua thuốc kháng virus uống để điều trị cúm. Việc tự mua thuốc kháng virus uống gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gia tăng đề kháng thuốc.

"Thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng. Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm để được bác sĩ đánh giá, cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng", BS. Khiêm nhấn mạnh.



Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ton-thuong-phoi-sau-nhiem-cum-a-luu-y-dau-hieu-can-nhap-vien-19225020711491637.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available