Nói thật, trước giờ mình chưa bao giờ mua quà tặng vợ, ngay cả tặng hoa cũng vậy. Mấy chục năm trước, hồi yêu nhau, “em nghèo tôi cũng chẳng cao sang”.
Em là con gái lớn trong nhà, phải nghỉ học sớm để phụ ba mẹ buôn bán nuôi mấy đứa em nhỏ. Tôi là sinh viên sư phạm, thiếu đói quanh năm, hầu như hiếm khi túi có tiền.
Có những buổi trưa chạy ra chỗ em bán, biết tôi đói, em dẫn ra quán cơm bình dân, gọi một đĩa cơm cho tôi ăn, còn em nói mới ăn rồi còn no. Lấy nhau mấy chục năm em mới kể thật, hồi đó em chỉ đủ tiền cho mình tôi ăn nên nói vậy.
Đến lúc lấy nhau, hai vợ chồng đều tay trắng, điều kiện kinh tế khó khăn. Lúc vợ mới sinh con gái được hơn tháng, hai vợ chồng chạy vạy, vay mượn mấy chỉ vàng dựng tạm một mái nhà tranh trên nền đất ruộng.
Mấy ông văn nghệ sĩ hay thi vị hóa mọi sự, bảo cái này là “một mái nhà tranh hai quả tim vàng” hay “túp lều lý tưởng”. Đời không như là mơ, nên thực tế chẳng lãng mạn như văn thơ chút nào.
Những hôm trời mưa, nước dột từ mái nhà chảy xuống đúng nóc mùng, phải lấy áo mưa che lên, khi nào nước đầy thì đẩy cho nước rớt xuống. Vợ chồng cả đêm không ngủ, ngồi bó gối trong mùng, hễ chỗ nào ướt thì xê dịch con sang chỗ khô ráo.
Đến giờ dù con cái trưởng thành, đã là ông ngoại bà ngoại, kinh tế gia đình đã ổn định, những chuyện phải chi tiêu cho chồng con thì vợ tôi chẳng bao giờ so đo, tính toán, nhưng mua sắm cho bản thân mình thì bà xã lúc nào cũng dè sẻn, tiện tặn hết mức.
Cuối năm, hai vợ chồng đi siêu thị mua sắm, đến lúc tính tiền mới thấy vợ mua toàn đồ cho bố con tôi mà chẳng có món nào của vợ. Hỏi, sao em không mua ít quần áo mới cho mình. Vợ tôi nói, em còn mấy bộ quần áo mới, mà mấy khi đi đâu, mua thêm để đó làm gì cho phí!
Thời chúng tôi yêu nhau chẳng ai biết ngày 8-3 hay ngày phụ nữ là gì, mà có biết thì hồi đó cuộc sống quá khó khăn cũng chẳng ai nghĩ đến việc tặng thiệp hoa, quà cáp gì cả.
Còn bây giờ, mỗi lần đến dịp lễ của phụ nữ như Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, sinh nhật của vợ… con gái tôi đều gợi ý: “Bố mua gì tặng mẹ đi!”. Tôi nói việc này với vợ thì bao giờ bà xã cũng gạt đi: “Anh đừng vẽ chuyện, mua làm gì, cứ để tiền đấy cho em!”.
Thế là lại thôi.
Hồi còn đi làm công chức nhà nước, mỗi năm cơ quan đều tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi nghỉ mát một lần. Năm nào tôi cũng rủ vợ đi cùng, nhưng hiếm khi vợ tôi đi cùng, vì cơ quan chỉ đài thọ một suất, người đi theo phải đóng tiền. Bà xã tiếc tiền, thế nên hầu như năm nào cũng chỉ có hai bố con đi với nhau.
Trong chương trình du lịch, gần đến ngày về, đoàn có một buổi tự do để đi mua sắm. Hầu như ai cũng mua quà về cho người thân.
Tôi gọi điện về cho vợ hỏi (chuyện gì cũng phải hỏi ý kiến, cho chắc, không lại rách việc): Anh tính mua món này món nọ về cho em được không? Bà xã gạt đi: “Anh đừng mua gì hết, ở Sài Gòn siêu thị bán đầy, hàng gì của nước nào cũng có, mà giá còn rẻ hơn. Hai bố con cứ việc đi chơi cho thoải mái, nhớ giữ con bé cẩn thận cho em là được rồi!”.
Thế là lại thôi!
Gia đình nhiều khi cũng có chuyện này chuyện nọ, lắm lúc bực mình, tôi cũng càu nhàu, gắt gỏng tí chút (nhưng cũng chỉ lẩm bẩm nhỏ nhỏ thôi). Ngay lập tức con gái lên tiếng: “Bố không được cãi mẹ! Nhà phải có nóc!”. Con với cái, ăn với chả nói!
Nhưng ngẫm nghĩ lại thấy nó nói cũng phải! Ở trong nhà, việc lớn, việc nhỏ có việc gì không đến tay mẹ nó.
Vợ tôi lúc vui vui vẫn nói: “Hai bố con ông hay thiệt, toàn dân trình độ không hà, còn tôi mới học lớp 6 lớp 7, vậy mà cứ đụng đến tiền bạc lại hỏi tôi là sao, bộ tôi là cây ATM, là ngân hàng hả! Mà không chỉ chuyện tiền nong, tôi vừa là đầu bếp nhà hàng, vừa là bác sĩ, vừa là điều dưỡng, vừa là…!”.
Thế là một lô một lốc cái “vừa là” được liệt kê ra. Đúng là, ở nhà này, hình như không có chuyện gì không qua tay vợ mà xong!
Tặng hoa, tặng quà vợ không chịu, thôi thì năm nay mình đề nghị cả nhà ra ngoài kiếm chỗ nào liên hoan nhẹ nhẹ mừng ngày 8-3 vậy. Không biết vợ có duyệt không, hay là lại “cứ để tiền đấy cho em”!
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: “Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?” gửi về email [email protected] hoặc bình luận ở dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.