Từng có thời gian dài bế tắc trong nghệ thuật, bỗng một ngày, Đoàn Nguyên gây sốt khắp cõi mạng và tranh của anh được săn lùng.
Cuộc sống cô độc giữa nghĩa địa
Họa sĩ Đoàn Nguyên sáng tác tranh chủ đề “Sen và Phật”
Người ta gọi Đoàn Nguyên là “họa sĩ điên” vì những video anh quằn quại vẽ, thi thoảng nhấp vài ngụm rượu, anh cũng thường tự nhận mình “điên khi vẽ”, vì sao vậy?
Có một thời gian tôi bỗng dưng sợ đám đông, chắc một phần do tôi sống một mình trong căn phòng nhỏ, ít có tiếng người, cũng ít khi ra ngoài. Nhiều lúc thèm người lắm nhưng không có bạn bè.
Tôi có 2 người bạn thân nhưng bị vợ cấm, không cho chơi với tôi nên chúng tôi cũng hạn chế gặp nhau.
Giờ vợ chúng nó “phóng sinh” chúng nó cho chơi với tôi rồi, nên tôi cũng được giao lưu nói chuyện, rồi có cả những người bạn trên mạng biết đến tôi, yêu quý còn mời tôi ra Hà Nội chơi.
Bữa nay tôi được ra Hà Nội chơi, từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên tôi được biết đến Hà Nội. Tôi vui lắm! Không như trước đây, thèm được chơi với một ai đó đến mức lên trên mạng xã hội, chọc cho người chửi mình, để mình còn được giao tiếp.
Thế rồi chọc hoài, người ta còn không thèm chấp, không thèm nói chuyện, mình càng cảm thấy lạnh lẽo đến mức trầm cảm.
Sự trầm cảm và cô đơn ấy của anh bắt đầu xuất hiện từ khi nào?
“
Cuộc đời tôi vẽ chỉ ưng 2 chủ đề “Tan nát” và “Sen và Phật”. Hãy nhìn những bức “Tan nát” của tôi đi, người nghèo cho người nghèo miếng ăn, nó đầy tính nhân văn. Còn “Sen và Phật”, trong hội họa Việt Nam, tôi dám khẳng định không ai vẽ sen giống như tôi. Lá sen và màu sắc trong tranh của tôi chính là đuôi công phượng trong giấc mơ.
Họa sĩ Đoàn Nguyên
”
Có lẽ là từ khi tôi bắt đầu sáng tác. Tôi học Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Học xong tôi làm thợ sao chép tranh để kiếm sống.
Lúc đó tôi rất yên ổn, cứ chép tranh ngày qua ngày, cuối tháng có tiền về gửi vợ. Không bị ai mắng chửi, trách móc.
Nhưng tôi cảm thấy nhàm chán, khi cứ ngày ngày đều đều vẽ theo tranh của các cụ ngày xưa, không có sáng tạo, không góp được điều gì cho nền hội họa Việt.
Tôi đóng quần áo và bỏ nhà đi, không nói câu gì với vợ con suốt hơn chục năm qua.
Vào Sài Gòn, tôi bắt đầu vẽ, nhưng vẽ vẫn ra tranh của người ta. Bởi, mình chép tranh quá lâu nên bị ảnh hưởng, tôi cũng không có cái riêng của bản thân.
Vẽ lại rục, lại vẽ. Màu mè, vải cũng rất nhiều tiền, vẽ không được, đâm ra chán nản, tôi bắt đầu uống rượu. Tôi cũng không nhớ tình trạng này kéo dài trong bao lâu nữa.
Tôi còn nhớ Festival Mỹ thuật trẻ năm 2005, gặp gỡ nhiều họa sĩ trẻ tại thời điểm ấy, họ chia sẻ về hội họa, màu sắc cá tính trong tranh anh cũng được nhắc. Tuy nhiên, câu chuyện lưu lại trong tôi là tính cách dị của anh. Cuộc sống của anh từ khi đó đến nay như thế nào?
Tôi sống một mình, trong căn phòng nhỏ giữa một nghĩa địa ở quận 12. Tường cũng chính là một cái mả lớn sát bên.
Dân cư ở đó rất ít, người chết nhiều hơn người sống nữa. Ngôi nhà này tôi đi thuê, nhưng họ đâu có lấy tiền. Lúc mới vào hỏi, người ta cũng ngạc nhiên khi tôi hỏi thuê.
Họ hỏi sao lại thuê ở đây? Tôi trình bày muốn yên tĩnh. Họ cũng không biết tôi là họa sĩ, hay thuê để làm gì. Họ nghĩ tôi thuê để trồng rau muống, nên lấy tôi 800.000 đồng/tháng. Tôi ở đó được hơn năm, thì họ không lấy tiền của tôi nữa. Đến nay, cũng hơn 10 năm rồi.
Ở đó, niềm vui, hay tiếng cười đùa cũng không nhiều. Nhiều khi tôi cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn. Những lúc cô đơn nhất, tôi cảm nhận được tiếng cóc, tiếng dế kêu, tôi lại thấy vui dần lên. Tôi thấy chúng như người bạn của mình vậy.
Chỉ quan tâm những điều mình làm
Các tác phẩm trong chủ đề “Tan nát” của họa sĩ Đoàn Nguyên
Rồi điều gì đã mang đến cho anh xúc cảm để bắt đầu sáng tác những tác phẩm gây sốt và được giới yêu tranh săn lùng như thời gian qua?
Tôi bắt đầu khám phá sau những giấc mơ lạ lùng. Lúc đó, Sài Gòn trời mưa tầm tã, thật tình, tôi không biết mình mơ hay đó là cảm giác trong cơn mơ màng của men rượu. Tôi thấy một vị Quán Âm Bồ Tát bay trên trời, tay ngài cầm một đóa sen rồi rải những cánh sen ra khắp nghĩa địa.
Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về giấc mơ ấy và đi sâu về chủ đề “Sen và Phật”. Khi vẽ xong một bức “Sen và Phật”, tôi lại nằm mơ thấy một con phượng hoàng lửa và công bay lên trời. Tôi lấy màu sắc từ con phượng hoàng, con công ấy hòa quyện vào những lá sen. Vì thế mà ngoài đời làm gì có sen màu như trong tranh của tôi.
Nhưng từ khi bắt đầu sáng tác, tôi lại bị mắng chửi là “thằng khùng”, “thằng điên” bên dưới các video quay lại cảnh tôi vẽ. Ban đầu tôi rất hoang mang và sốc. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng, mình không nên quan tâm thế giới bên ngoài mà quan tâm đến những điều mình đang làm.
Bây giờ tôi được yêu mến hơn, được nhiều người chia sẻ hơn nên thấy thoải mái, giải tỏa, tâm hồn cũng phóng khoáng hơn. Sắp tới, tôi còn có thêm nhiều ý tưởng nữa để vẽ.
Trăm người đặt mua tranh nhưng không dám nhận lời
Một tác phẩm thuộc chủ đề “Tan nát” của họa sĩ Đoàn Nguyên
Có nhiều người muốn mời anh tham dự các cuộc triển lãm, sao anh từ chối sân chơi này?
Để mà nói nổi tiếng, năm 2007 – 2009, tôi đã có tiếng tăm rồi. Tranh của tôi chưa từng tham gia một triển lãm nào, nhưng nó được bán cả ở nước ngoài.
Tôi không thích tham gia hội nhóm. Ở đó, vừa tốn tiền, rồi lại chỉ tâng bốc lẫn nhau thôi. Tôi cũng không có một triển lãm riêng nào, bởi tôi vẽ không nhiều. Vẽ tấm nào ra là bán hết tấm đấy, lấy đâu ra tranh mà triển lãm.
Cho đến thời điểm này, tôi có hơn 200 người nhắn tin đặt mua tranh của mình mà tôi không dám trả lời. Vì có tranh đâu để mà trả lời họ.
Vẽ được tranh, lại được nhiều người yêu mến, yêu tranh, cuộc sống của anh cũng dư dả hơn nhiều?
Thật ra không phải lúc nào tôi cũng vẽ được tranh, số lượng tranh của tôi ra thị trường vẫn còn quá ít. Tôi không phải cái máy, không bao giờ vẽ tranh tràn lan mà phải có cảm xúc, cảm hứng.
Tôi cũng không bao giờ bán cho một cá nhân nào trên 3 bức. Tôi bán tranh tùy duyên, có bức tôi đăng lên với giá 5.000 USD, ai có duyên thì mua được, không có duyên thì có trả đến 10.000 USD cũng chẳng còn tranh để mua.
Tiền tranh bán được, tôi chi tiêu rất ít. Chủ yếu tôi đầu tư, nâng cấp dụng cụ vẽ, nâng cấp cả rượu để uống. Tôi không còn uống rượu ở tạp hóa với giá mười mấy nghìn 1 lít nữa mà được uống rượu ngâm bằng trái cây, cả hơn trăm nghìn 1 lít.
Cũng có nhiều người yêu mến, gửi tặng rượu cho tôi, uống cũng không xuể. Hôm nay tôi đang cầm trong người 6.000 USD.
Nhưng có tiền rồi, tôi cứ đi ăn nhậu, hết tiền lại về vẽ tiếp. Khổ là, tôi cứ có tiền là tôi không vẽ được, không làm được (Cười).
Có tiền, con đường nghệ thuật cũng rộng mở, nhân sinh quan của anh có thay đổi nhiều không?
Sự vật không thay đổi, chị có cho tôi khoác cái áo xịn thì tôi vẫn là tôi thôi, nó không thể thay đổi được bản chất.
Hiện tại, anh hài lòng với cuộc sống của mình chứ?
Tôi vui. Tôi có nhiều bạn hơn, được yêu hơn. Nhiều anh chị mời đến nhà chơi, được nói chuyện giao tiếp. Mình tìm ra được con đường hội họa của riêng mình, ổn định phong cách riêng của mình, “khai phóng” được bản thân. Tôi thấy sảng khoái!
Cảm ơn anh!