TTHC là việc mà ai trong đời cũng phải liên quan ngay từ khi mới sinh ra cho đến khi mất đi. TTHC đơn giản, thuận lợi sẽ giúp tổ chức, cá nhân nắm bắt được cơ hội làm ăn nhưng TTHC cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp bị phá sản, cá nhân bị lỡ mất công việc.
TTHC là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. Hiểu TTHC là như thế, nhưng thực hiện được một TTHC cụ thể nhiều khi không dễ dàng đối với tổ chức, cá nhân. TTHC do pháp luật hành chính quy định với nhiều loại khác nhau, gắn liền với công văn, giấy tờ và do nhiều cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức thực hiện. Đó là chưa kể đến mỗi cơ quan Nhà nước đều có các quy định khác nhau và cán bộ, công chức khi thực thi công vụ giải quyết TTHC cũng có những cách hiểu khác nhau. Đôi khi, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền vì để bảo vệ mình được “bình an” nên đưa ra các quy định về trình tự, cách thức, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện… khó thực hiện cho tổ chức, cá nhân.
Trong thực tế vẫn còn một số người có thẩm quyền lợi dụng các quy định của TTHC để gây phiền hà, nhũng nhiễu, đòi hỏi tổ chức, cá nhân muốn giải quyết công việc liên quan đến TTHC phải “bồi dưỡng” mà người ta hay gọi là “tham nhũng vặt”….. Do vậy, nhiệm vụ tập trung CCHC, nhất là TTHC; nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những chương trình trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể, toàn diện trên 6 lĩnh vực của Chương trình CCHC, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Ngày 20/01/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 98/QĐ-UBND về kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trên địa bàn tỉnh năm 2022, theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá 71 TTHC thuộc 26 lĩnh vực, nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định TTHC không cần thiết, không phù hợp, rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC.
Kết quả qua rà soát, đề nghị giữ nguyên 45/71 TTHC; thông qua phương án đơn giản hóa đối với 26/71 TTHC được rà soát, trong đó cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 24 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 02 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cũng trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 34 quyết định công bố, sửa đổi, bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; 34 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Hiện nay, tổng số TTHC do Trung ương quy định đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.881 TTHC, trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh 1.492 TTHC; cấp huyện 272 TTHC; cấp xã 117 TTHC. Tất cả các TTHC đều được niêm yết công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp và trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo quy định.
Qua kiểm tra cho thấy, kết quả quyết hồ sơ TTHC tại các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản là đúng và trước hạn; tỷ lệ TTHC bị trễ hạn rất thấp và đã cắt giảm 2.858 giờ giải quyết TTHC. Đánh giá chỉ số CCHC tỉnh Ninh Bình (PAR INDEX) năm 2022 tăng 3 bậc và kết quả cải cách TTHC tăng 22 bậc so với năm 2021.
Riêng kết quả về công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh năm 2021 và năm 2022 đều xếp hạng 1 và là một (1) trong năm (5) tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn duy trì thực hiện tốt hòm thư góp ý, niêm yết địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân đồng thời phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và theo dõi, ghi chép ý kiến đóng góp của nhân dân, công khai các số điện thoại và địa chỉ tiếp nhận các ý kiến đóng góp về TTHC.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã bố trí hệ thống tổng đài điện thoại để tư vấn, giải đáp thắc mắc của tổ chức, công dân về thực hiện TTHC, từ đó xử lý thông tin kịp thời, tạo sự hài lòng, tin tưởng của công dân. Bên cạnh đó, nhiều sở, ngành, địa phương còn đẩy mạnh việc đề xuất sáng kiến, giải pháp mới về CCHC, trong đó tập trung đề xuất cắt, giảm, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC, trong đó đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa thực hiện công tác CCHC, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC để giảm chi phí và thời gian chờ đợi cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Làm tốt công tác tuyên truyền, công bố và niêm yết công khai TTHC. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Nêu cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp giải quyết những vấn đề về TTHC cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cái mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ nhận thấy nhất là sự đổi mới và tiến bộ của các cơ quan hành chính khi đến giải quyết một TTHC cụ thể để thấy rằng chính quyền đã chuyển từ quản lý sang phục vụ. Điều người dân, doanh nghiệp cần ở chính quyền các cấp là giải quyết TTHC một cách thực chất, thuận lợi, nhanh chóng chứ họ không cần những lời động viên, chia sẻ, thông cảm và lời hứa “sẽ quan tâm xem xét, giải quyết”.
Nguyễn Đông