Âm thầm đóng góp cho quê hương
Theo nhạc sĩ (NS) Võ Đông Điền, năm 2000, Câu lạc bộ Sáng tác âm nhạc ở Bình Dương được thành lập. Ban đầu có những nhạc sĩ tâm huyết với hoạt động âm nhạc ở Bình Dương, như: Phan Hữu Lý, Võ Đông Điền, Lê Trung Hiếu, Phạm Đắc Hiến, Đỗ Phú Thông, Trần Hữu Du, Nguyễn Công Dinh, Phạm Minh Thuận… Đây là nơi để các NS Bình Dương trao đổi kinh nghiệm sáng tác, “trình làng” các tác phẩm mới của mình, cũng như tổ chức những chuyến đi thực tế để tìm hiểu và sáng tác những ca khúc về quê hương và con người Bình Dương. Sau này, có thêm các NS trẻ như Phạm Thanh Phong, Toàn BD… cũng sáng tác nhiều bài về Bình Dương được chọn biểu diễn trong các hội nghị, buổi họp mặt, hội diễn…
Nói về vấn đề này, NS Phan Hữu Lý tâm sự “Bình Dương còn nhiều điều để viết lắm!”. Sinh năm 1949, với giới văn nghệ sĩ Bình Dương, NS Phan Hữu Lý thuộc vào hàng lão làng, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác, biên tập viên phần âm nhạc cho Tạp chí Văn nghệ Bình Dương. Tác phẩm “Tình người xa đất Bình Dương” của ông được Giải III - Giải thưởng Sáng tác văn học - nghệ thuật (VHNT) “Đất và người Bình Dương” lần thứ VIII - 2024. “Ở Bình Dương có nhiều đề tài hay lắm. Nhịp sống mới ở đây vẫn là chất xúc tác cho nghệ sĩ sáng tác. Có nhiều NS trẻ mới được kết nạp vào Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội VHNT tỉnh, tôi mong họ sáng tác nhiều ca khúc hay hơn cho tỉnh nhà”, NS Phan Hữu Lý chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với mảnh đất và con người nơi đây. Nhiều ca khúc của ông được khán giả đón nhận, như: Yêu sao dáng sơn mài; Tuyệt vời gốm sứ Bình Dương; Yêu thành phố Bình Dương; Hành khúc lực lượng vũ trang Bình Dương; Ơi sông nước Bình Dương… Ông cũng giành nhiều giải thưởng lớn các cuộc thi do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; giải B Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ lần 3.
Mặc dù NS Phan Hữu Lý tuổi cao nên gần đây ông ít đi để thấy nhịp sống hối hả của mùa xuân, của tuổi trẻ. Tuy nhiên, bằng ứng dụng công nghệ thông tin, ông vẫn theo dõi và nắm bắt sự đổi mới của quê hương và vẫn miệt mài với những nốt nhạc, góp sức làm phong phú đời sống âm nhạc Bình Dương.
“Trong tim tôi, Bình Dương là nơi nuôi tôi khôn lớn, là nơi cho tôi nhiều cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật. Với tôi, Bình Dương mỗi ngày như tươi đẹp hơn, bởi có nắng ấm tình người, có màu xanh cây trái, có sơn mài, gốm sứ vang danh, và có cánh hoa dầu xoay tít bay bay trong gió, để rồi dù có đi xa, lòng vẫn luôn hướng về Bình Dương thân yêu”. |
Nhiều đề tài hấp dẫn nhạc sĩ trẻ
Với NS Phạm Thanh Phong, anh cho biết: “Giải thưởng của Hội VHNT tỉnh là dấu ấn cho một quá trình sáng tác và tôi càng phải cố gắng hơn nữa”. Năm qua cũng là năm khá thành công với NS Phạm Thanh Phong.
NS Phạm Thanh Phong cho biết anh tham gia vào Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc Bình Dương từ năm 2016. Dấu ấn khó quên trong sáng tạo nghệ thuật là những lần đi trại sáng tác cùng anh chị em trong Hội VHNT tỉnh. Mỗi lần đi là một lần được giao lưu, học hỏi và gặt hái được nhiều kinh nghiệm trong sáng tác từ những NS đi trước; tiếp nhận những nét đặc trưng từ các vùng miền, làm phong phú thêm tư liệu trong sáng tác tân nhạc cũng như cổ nhạc.
Là người con đất Bình Định, anh theo gia đình vào Dầu Tiếng, Bình Dương từ nhỏ. Với NS Phạm Thanh Phong, Bình Dương là quê hương thứ hai với nhiều kỷ niệm khó quên. Đó cũng là cảm xúc gợi lên những cung bậc để anh sáng tác khoảng 20 ca khúc về vùng đất, con người nơi đây, như: Bình Dương duyên đẹp tình ta; Ngọt ngào câu hát quê hương; Bạch Đằng nơi tình yêu đơm hoa; Đất Thủ đẹp tình đôi ta…
Năm 2024 là năm ghi dấu của NS Phạm Thanh Phong trong chuyên ngành sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ. Trong năm qua, anh đã viết hơn 20 tác phẩm âm nhạc, bài ca vọng cổ để tham gia một số cuộc thi. Các tác phẩm đạt giải trong năm 2024 của NS Phạm Thanh Phong cũng là điều làm anh tự hào, tiếp thêm tình yêu dành cho nghệ thuật để anh sáng tác. Tác phẩm Tân Uyên - Thành phố tôi yêu (giải III âm nhạc); Rạng ngời thành phố Tân Uyên (giải II ca cổ); Phú Giáo ơi đẹp mãi khúc tình ca (giải III ca cổ); Đẹp sao Phú Giáo ta ơi (giải B âm nhạc); Cà Mau - Ngày ấy và hôm nay (giải C âm nhạc) tại các giải thưởng VHNT trong và ngoài tỉnh.
Anh cho biết thêm, trong năm tới sẽ đầu tư một số tác phẩm tham gia các cuộc vận động sáng tác ca khúc. Bên cạnh đó, anh tập trung tìm và tạo nguồn tư liệu tốt hơn để những sáng tác về Bình Dương ngày càng chất lượng, hay hơn và mong muốn được công chúng đón nhận.
QUỲNH NHƯ
Nguồn: https://baobinhduong.vn/gap-go-nhung-nhac-si-co-nhieu-sang-tac-ve-binh-duong-a345172.html
Bình luận (0)