Theo đó những bệnh nhân có đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ một số khoản như: tiền lưu trú, tiền ăn, tiền xăng xe, chi phí điều trị ngoài phạm vi được hưởng của quỹ BHYT. Trong đó, mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng 100% mức hỗ trợ của các chính sách; các đối tượng còn lại được hưởng 80% mức hỗ trợ của các chính sách quy định tại Nghị quyết. Với mức hỗ trợ này sẽ giúp cho người bệnh có một khoản để chi phí các khoản ngoài danh mục BHYT thanh toán.
Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc.
Khi người bệnh được hỗ trợ
Nơi góc hành lang của các đơn vị y tế đang có người bệnh chạy thận nhân tạo và bệnh tan máu bẩm sinh, có những người phụ nữ thỉnh thoảng lại kéo vạt áo chùi nước mắt, những người đàn ông quay lưng đi giấu đôi mắt đỏ hoe, những ánh mắt thơ ngây nhìn bạn bè qua cửa sổ phòng bệnh. Căn bệnh suy thận mãn và bệnh tan máu bẩm sinh đã vắt kiệt họ và người thân từ sức khỏe, tiền bạc.
Lùa vội bát cơm để tranh thủ vào phòng chăm chồng đang chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang, chị Hoàng Thanh Lê, xã Sơn Phú (Na Hang) cho biết, chồng chị phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối vào đầu năm 2017. Từ đó đến nay đều đặn mỗi tuần hai lần, có tuần 3 lần, chị đưa chồng đi chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang. Gần đây, do căn bệnh của chồng chị ngày càng trở nặng, bác sỹ chỉ định phải nhập viện để điều trị, hai vợ chồng đành phải khăn gói lên đây ở.
Khi được hỏi về chi phí chữa trị, chị cho biết, mọi người chạy thận ở đây đều có thẻ BHYT, nhưng vẫn phải chịu chi phí mua dụng cụ lọc máu. Nhà khó khăn, tiền thuốc, tiền ăn uống cứ đè nặng từng ngày. Năm 2023, nhờ chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh, chồng chị cùng hàng trăm bệnh nhân suy thận khác đang phải điều trị ở đây đã phần nào giảm bớt khó khăn về chi phí điều trị. Đầu tháng 7 vừa qua, chị vừa được lĩnh 3 tháng tiền hỗ trợ với số tiền gần 2 triệu đồng. Số tiền này là động lực để chồng chị tiếp tục điều trị bệnh – chị Lê nói.
Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc bố trí một khoảng diện tích cho các bệnh nhân chạy thận nhân tạo trồng rau và chăn nuôi.
Cầm trên tay số tiền gần 1,5 triệu đồng của 2 tháng đầu năm hỗ trợ theo Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh, chị Mã Thị Nhung, bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh rơm rớm nước mắt kể về hoàn cảnh của mình. Chị chạy thận tính đến nay đã 15 năm ròng, kể từ lúc phát hiện bệnh và đó cũng là 15 năm chị sống xa gia đình. Những ngày đầu khi biết mình bị suy thận, mọi thứ dường như sụp đổ. Nhà có bố mẹ già, gia đình lại khó khăn, chị bệnh tật, nhiều lúc chị có ý định bỏ cuộc, nhưng nhìn bố mẹ đang cố gắng vì mình, chị có thêm động lực để chiến đấu bệnh tật.
Chị kể do nhà nghèo, nên những ngày không chạy thận chị lại đi loanh quanh nhặt đồng nát, đi làm tăm thuê để có tiền tự nuôi mình. Chị kể: Mỗi ngày đi nhặt, đi làm tăm chị gắng cho đủ được vài chục nghìn đồng để có tiền thuê nhà, thuốc men và tiền ăn. Hôm nào mệt thì ở nhà ăn đồ các nhà hảo tâm cho như ăn mỳ, uống sữa cho qua ngày. Nay lại được Nhà nước hỗ trợ một số khoản như: tiền lưu trú, tiền ăn, chi phí điều trị ngoài phạm vi được hưởng của quỹ BHYT… những người bệnh như chị như được tiếp thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật.
Tiếp thêm động lực
Có mặt tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hàng chục trẻ đang chờ truyền máu định kỳ. Từng chiếc kim tiêm, ống truyền được các điều dưỡng chuẩn bị sẵn sàng. Các bé ngồi rất ngoan, ánh mắt ngây thơ chốc chốc lại ngó tìm người thân. Có em do còn quá nhỏ nên không hiểu hết về sự nguy hiểm của căn bệnh đang mắc phải, chỉ biết là mỗi tháng có 2 – 3 lần đến “thăm” bệnh viện.
Lại gần chiếc giường phía góc tường, tôi được nghe anh Trần Văn Hoan, xã Tân Tiến (Yên Sơn) kể, khi kết hôn, 2 vợ chồng và 2 bên gia đình mong ngóng có cháu ẵm bồng. Rồi lần lượt 3 con của anh chị ra đời trong niềm hân hoan của cả nhà. Các cháu sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Cháu đầu năm nay 20 tuổi vẫn khỏe mạnh, nhưng đến cháu thứ 2, thứ 3 khi được 3 tuổi da 2 cháu sạm đi, xanh xao, rồi quấy khóc, ăn kém, gia đình đưa đi khám, bác sỹ kết luận cháu bị tan máu bẩm sinh. “Nói giá như lúc này thì đã quá muộn nhưng tôi chỉ mong có phép màu để con tôi khỏe mạnh”, anh Hoan chia sẻ. Nói đến đây, anh không kìm được cảm xúc, hai dòng nước mắt lã chã rơi.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh.
Thu nhập không ổn định, chi phí điều trị bệnh, thuốc men cho con lại không nhỏ nên gia đình luôn trong tình trạng khó khăn. Nhờ chính sách riêng của tỉnh hỗ trợ đến nay mỗi tháng gia đình anh cũng có thêm được một khoản giảm bớt gánh nặng cho gia đình, gia đình anh rất vui, đây như là một món quà tiếp thêm động lực cho gia đình anh.
Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau khi Nghị quyết 25/2022/NQ – HĐND được ban hành, đến nay, Sở Y tế đã tiếp nhận trên 600 hồ sơ, trong đó có trên 500 hồ sơ bệnh nhân suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ và gần 100 hồ sơ bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Tính đến hết ngày 4-8, Sở Y tế đã chi trả trên 150 triệu đồng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo và gần 12 triệu đồng cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh, số còn lại đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ.
Có thể nói chính sách hỗ trợ này là một “liều thuốc” cho các bệnh nhân đang điều trị bệnh suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ và bệnh tan máu bẩm sinh. Qua đó, động viên tinh thần, tiếp thêm động lực, mang lại niềm vui cho những bệnh nhân đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.