Thủ tướng kể về quyết định phá đập Thác Bà và câu chuyện phân cấp, phân quyền

Thủ tướng tán thành việc bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ, đồng thời cần tăng cường sự phân cấp, phân quyền khi thiết kế dự thảo luật.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên12/02/2025

Sáng 12.2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Dự thảo luật đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Chính phủ về việc ban hành nghị quyết quy phạm phạm luật, song song với hình thức nghị định như hiện nay. 

Thủ tướng phát biểu tại tổ sáng 12.2

ẢNH: GIA HÂN

Chỉ có nghị định thì sẽ chậm chạp

Phát biểu thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc quy định Chính phủ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật là rất cần thiết. 

Thực tiễn cho thấy cuộc sống luôn biến đổi rất nhanh. Ví dụ, Tổng thống Donald Trump nhậm chức chưa đầy một tháng mà "tình hình thế giới đã đảo lộn, các nước phải tập trung tìm giải pháp đối phó với Mỹ".

Tương tự như đại dịch Covid-19 mấy năm trước, Quốc hội không thể họp, do đó Chính phủ phải ban hành nghị quyết để mà làm, từ việc giãn cách, cách ly, hạn chế quyền đi lại… 

Từ những ví dụ vừa nêu, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn đã chứng minh là đúng, hiệu quả, được đa số đồng tình thì luật hóa. Ngược lại, cái gì biến động thì cần trao quyền cho cơ quan hành pháp để xử lý kịp thời.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, có những vấn đề cá biệt phải xử lý ngay, Chính phủ có thể họp trong 1 tiếng để quyết định. Nếu không có nghị quyết quy phạm pháp luật thì rất bí. "Ban hành 1 văn bản không có tính pháp quy thì ai dám ban hành, ai dám làm", Thủ tướng nói.

Nhắc lại vụ việc 12 ụ đất ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng cho hay những ụ đất này được xây dựng cách đây 60 - 70 năm, hồ sơ bị mất, giá trị khấu hao đã hết, nhưng theo luật thì vẫn phải đánh giá, hóa giá, thành ra chẳng ai làm. Hệ quả là, đường băng xây xong rồi nhưng vì vướng các ụ đất mà máy bay không lên xuống được. Cuối cùng, Chính phủ phải ra nghị quyết để xử lý.

Trường hợp trên là thêm một ví dụ để chứng minh sự cần thiết phải có nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ, nhằm xử lý ngay những vấn đề cấp bách ở một thời điểm cụ thể. Như hiện nay chỉ có hình thức nghị định, cho dù xây dựng theo quy trình rút gọn thì vẫn phải lấy ý kiến tất cả cơ quan liên quan, sẽ chậm chạp.

Các đại biểu thảo luận về dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

ẢNH: GIA HÂN

"Tưởng là quyền rất là to, nhưng thực tiễn thì không phù hợp"


Tiếp tục thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến sự thay đổi liên tục của thực tiễn, "rất nhiều thứ phải đối phó", mà luật pháp không phải khi nào cũng dự báo được hết. 

Điều này đòi hỏi các quy định trong luật phải thiết kế sao cho mang tính khung, nguyên tắc, tạo dư địa cho cơ quan hành pháp, doanh nghiệp, người dân linh hoạt, sáng tạo, "miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm".

Điển hình như đại dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam có kinh nghiệm đối phó với dịch tả, sốt, sởi… nhưng tác động xấu như Covid-19 thì không ai nghĩ tới, có những bài toán cần giải quyết ngay về kit test, thuốc, vắc xin…, nhưng pháp luật chưa phủ kín được hết.

Song song với việc tạo không gian sáng tạo, Thủ tướng cũng đề nghị phải có cơ chế bảo vệ người sáng tạo, chấp nhận rủi ro khi áp dụng sự sáng tạo.

Dẫn câu chuyện vị trưởng thôn kịp thời đưa dân làng lên núi và tránh được trận lũ quét ở Lào Cai, Thủ tướng nói nếu mọi người thoát nạn thì trưởng thôn là anh hùng, nhưng nếu trên đường đi mà gặp sự cố thì có thể trở thành tội đồ. Rõ ràng, cách làm của vị trưởng thôn là sáng tạo, xuất phát từ động cơ trong sáng, vì thế phải được xem xét nếu xảy ra rủi ro.

Một câu chuyện khác là trong trận bão Yagi, khi mực nước dâng cao, yêu cầu đặt ra là có nên phá đập Thác Bà để giữ an toàn hay không. Quy định hiện hành giao thẩm quyền quyết định cho Thủ tướng, nhưng Thủ tướng cho rằng như vậy không phù hợp.

Lẽ ra, người quyết định có phá đập hay không phải là Bộ trưởng NN-PTNN, vì bộ trưởng là người trực tiếp ở đó và quản lý hệ thống đê điều. Nhưng thay vì trực tiếp thì lại qua một khâu trung gian, bộ trưởng phải báo cáo Thủ tướng, "mà Thủ tướng có phải nằm ngay ở đó đâu", trong khi quyết định phải đưa ra trong tích tắc.

Cũng bởi quy định như vậy, Bộ trưởng NN-PTNT "cứ phải chờ đợi tôi, trong khi di chuyển liên tục, lúc có sóng, lúc không". "Tưởng là quyền rất là to, như thế mới phù hợp, nhưng thực tiễn thì không phù hợp", Thủ tướng nói.

Để khắc phục hạn chế, Thủ tướng cho rằng khi thiết kế luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), phải tăng cường sự phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, đồng thời cá thể hóa trách nhiệm có liên quan.

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/thu-tuong-ke-ve-quyet-dinh-pha-dap-thac-ba-va-cau-chuyen-phan-cap-phan-quyen-185250212121920969.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available