Điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ với chính quyền địa phương

Chiều 12.2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động12/02/2025

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều (giảm 2 chương, 18 điều so với Luật hiện hành), bảo đảm tính kế thừa và khái quát cao theo yêu cầu đổi mới xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư và Quốc hội, bảo đảm ổn định và hoạt động lâu dài trong hệ thống pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một trong những điểm nổi bật là việc hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương (Điều 7, Điều 8, Điều 9 dự thảo Luật).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn

Trong đó, về phân quyền, dự thảo Luật đã xác định nguyên tắc phân quyền; trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

Về phân cấp, thực hiện theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Đồng thời, dự thảo Luật đã làm rõ về: Chủ thể phân cấp; nguyên tắc phân cấp; thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện phân cấp.

Về ủy quyền, dự thảo Luật đã làm rõ chủ thể, cách thức, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và các điều kiện mang tính nguyên tắc trong việc thực hiện ủy quyền.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây là điểm mới nổi bật, mang tính nguyên tắc căn bản, cốt lõi để các Luật khác trong hệ thống pháp luật, làm căn cứ quy định về phân cấp và lần đầu tiên được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.

Thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành với việc bổ sung quy định tại các điều 7, 8 và 9 về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, những nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, cụ thể:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng. Ảnh Quochoi.vn

Về chủ thể nhận phân cấp, khoản 1 Điều 8 của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) xác định các chủ thể nhận phân cấp ở địa phương bao gồm: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; trong khi đó, khoản 5 Điều 14 của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương”, có thể dẫn đến mở rộng phạm vi các chủ thể ở địa phương nhận phân cấp từ trung ương.

Đồng thời, Điều 50 của Luật Thủ đô quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xem xét, quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định một số nội dung về phân cấp, ủy quyền khác với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và các nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa trung ương và địa phương; các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác hoặc những vấn đề cần phải linh hoạt để phù hợp với thực tiễn thì không nên quy định cứng trong 2 luật này mà để pháp luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật điều chỉnh.

Laodong.vn

Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/diem-moi-ve-nhiem-vu-quyen-han-cua-chinh-phu-voi-chinh-quyen-dia-phuong-1462138.ldo


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available