Là thủ khoa đầu vào với 30 điểm khối B, sau 6 năm, Hoàng Huy tiếp tục là thủ khoa đầu ra, thuộc diện “đếm trên đầu ngón tay” ở Đại học Y Dược TP HCM.
Huỳnh Hoàng Huy, 24 tuổi đến từ Vĩnh Long, là thủ khoa tốt nghiệp năm nay của Đại học Y Dược TP HCM với điểm số 3,69/4 (xuất sắc). Cách đây 6 năm, Huy cũng là thủ khoa khối B00 toàn quốc với ba điểm 10 ở môn Toán, Hóa, Sinh.
TS Lê Quốc Tuấn, Giảng viên bộ môn Sinh lý – Sinh lý bệnh Miễn dịch, kiêm cố vấn học tập của lớp Y2017, nói lâu rồi trường Đại học Y Dược TP HCM mới có thủ khoa kép. Hàng năm, trường có hàng nghìn tân khoa tốt nghiệp nhưng số người đạt loại xuất sắc rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có bố là bác sĩ nên từ ngày còn nhỏ, Huy đã được quan sát, tiếp xúc với quá trình khám, chữa bệnh. Nhận thấy đây là nghề có thể giúp và cứu người, năm lớp 12, với sự định hướng của gia đình, Huy quyết định đăng ký vào ngành Y khoa của trường Đại học Y Dược TP HCM.
Xuất thân là học sinh trường chuyên ở Vĩnh Long, lại là thủ khoa đầu vào nên trước khi nhập học, Huy đặt mục tiêu giành học bổng đều đặn mỗi năm. Nhưng ngay từ năm thứ nhất, bao mộng mơ về thành tích đại học với Huy vỡ tan. Phương pháp học khác với thời phổ thông, khối lượng kiến thức nhiều cùng nhiều đầu sách cần đọc thêm khiến Huy choáng ngợp, lo không bắt kịp nhịp độ, bị thụt lùi phía sau.
“Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chỉ khi vào học mình mới biết khối lượng kiến thức lớn đến vậy, có khi phải nhớ hết cả cuốn sách vài trăm trang trong vòng một tuần”, Huy kể. Vì thế, nam sinh giảm mục tiêu kỳ vọng. Thay vì điểm cao và học bổng, với Huy tốt nghiệp đúng hạn đã là thành công.
Sau thời gian đầu vấp váp, Huy tự rút ra phương pháp học cho mình. Đó là dành nhiều thời gian đọc các bài giảng và sách, kết hợp làm thử đề thi các năm trước. Đặc biệt, kết thân với một nhóm bạn để cùng học tập, chia sẻ tài liệu là cách rất hiệu quả. Theo Huy, để đỗ vào trường Y, bạn nào cũng giỏi, nằm trong top ở thời phổ thông, mỗi người có những thế mạnh riêng nên có thể bổ sung, thúc đẩy nhau cùng tiến.
Huy nhìn nhận 6 năm học Y có rất nhiều thử thách, từ cú sốc với môi trường, khối lượng học tập trong năm đầu, rồi đi lâm sàng vào năm thứ hai đến vô vàn kỳ thi lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng từ năm thứ tư.
Huy kể từ năm thứ hai, sinh viên sẽ đi lâm sàng ở bệnh viện tuyến quận, huyện để học hỏi và thực hành các kỹ năng điều dưỡng đơn giản như tiêm truyền, thay băng, kết hợp làm quen, tiếp xúc bệnh nhân, hỏi bệnh và thăm khám cơ bản. Sang các năm sau, sinh viên học thêm về bệnh, cách hỏi bệnh và khám bệnh trọng tâm, chẩn đoán và ra y lệnh điều trị.
Mỗi chặng đường có những khó khăn khác nhau, nếu không bền chí, sinh viên rất dễ buông xuôi. Ngay cả việc hỏi thông tin bệnh án của bệnh nhân tưởng như rất dễ nhưng ngay ngày đầu đi lâm sàng, Huy đã bị bệnh nhân từ chối.
“Mình không ngờ khó đến vậy, hỏi vài người đều từ chối vì không tin tưởng sinh viên thăm khám”, Huy kể. Sau đó, nam sinh chịu khó mỗi sáng sớm đều giúp điều dưỡng lấy thông tin mạch, nhịp tim, huyết áp, hỗ trợ bệnh nhân mỗi khi họ cần. Sau vài ngày, Huy mới được bệnh nhân đồng ý cho thăm khám.
Huy thừa nhận từng có lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc vì mệt mỏi với vòng xoay học, thi, thực hành lâm sàng, trực bệnh viện. Nam sinh nói việc sáng thực tập ở bệnh viện, chiều lên trường học lý thuyết, tối quay lại bệnh viện trực đêm là chuyện thường ngày. Chưa kể những bài thi nối tiếp nhau khiến Huy cảm thấy quá tải.
Ngoài ra, đa số sinh viên ngành Y gặp áp lực đồng trang lứa. Khi sinh viên Y khoa bước sang năm thứ năm cũng là lúc nhiều bạn bè học ngành khác đã tốt nghiệp, có công việc ổn định. Những lúc gặp mặt, nghe bạn bàn về công việc, mức lương khiến Huy không khỏi chạnh lòng.
“Để có thể vượt qua những chặng đường ấy, mỗi sinh viên Y khoa phải có sức khỏe tốt, lòng kiên trì, sự siêng năng và tinh thần hiếu học, cùng sự thấu hiểu, động viên từ gia đình, bạn bè”, Huy đúc kết.
Huy nhìn nhận sáu năm học tập nhiều thử thách cũng là hành trình đáng nhớ, ý nghĩa bởi đã biết cách vượt qua những lúc mệt mỏi, chán nản. Ngoài những bài học từ thầy cô, có một người thầy mà mỗi sinh viên Y khoa đều trân trọng, đó là người bệnh. Quá trình hỏi bệnh, thăm khám với mỗi người bệnh là một bài học quý giá về cách giao tiếp, kiến thức và kỹ năng.
Tiếp xúc và hiểu được nỗi đau của người bệnh khiến Huy có động lực học tập tốt hơn với hy vọng chữa khỏi cho họ. Đó cũng là quá trình khiến Huy thấm thía trách nhiệm, sứ mệnh của bác sĩ khi đọc lời thề Hippocrates trong lễ tốt nghiệp.
“Khi được khoác áo blouse vào năm thứ hai, mình cảm thấy rất hào hứng nhưng khoảnh khắc đọc lời thề Hippocrates, có một cảm nhận rất khác, thiêng liêng và đầy tự hào”, nam sinh chia sẻ.
TS Lê Quốc Tuấn nhận xét Huy là sinh viên chăm chỉ, có năng lực tự học, thích nghi tốt. Theo ông, học Y là một hành trình khó nhưng Huy đã đạt được thành quả rất ít người làm được. Ông kỳ vọng Huy sẽ có nhiều cống hiến cho ngành trong tương lai.
Ý thức chặng đường phía trước còn rất dài với nhiều thử thách, Huy coi việc tốt nghiệp thủ khoa chỉ là dấu mốc nhỏ. Trước mắt Huy là kỳ thi bác sĩ nội trú. Nam sinh quyết tâm vượt qua kỳ thi này với mục tiêu trở thành bác sĩ nội khoa giỏi.
“Con đường hành nghề Y sẽ có nhiều khó khăn, những tình huống nan giải và cả những lúc bất lực. Mình đã chuẩn bị tinh thần cho những thử thách phía trước”, Huy chia sẻ.
Vnexpress.net