“Chúng tôi phải tự đi xét nghiệm máu ở bên ngoài, chờ có kết quả mang về lại bệnh viện, và rồi đến thuốc, bơm tiêm, kim luồn, băng keo dán… chúng tôi cũng phải tự trang bị để bác sĩ điều trị. Khổ trăm bề…”, tâm sự của nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân khổ
Ông Nguyễn Văn H (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) vào viện khám trong tình trạng đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám, ông được bác sĩ yêu cầu nhập viện để mổ đường ruột. Ông cho biết: Trước khi phẫu thuật ông phải thực hiện khâu xét nghiệm máu, thế nhưng ông được nhân viên y tế yêu cầu phải cầm mẫu mang đến cơ sở xét nghiệm tư nhân trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP. Phan Thiết) đóng tiền và làm xét nghiệm, đồng thời chờ kết quả mang về. “Tôi đi khám mà không có người nhà đi cùng, nên phải gọi điện thoại nhờ đứa em chạy xuống giúp đỡ. Với hơn nữa, tôi có thẻ BHYT nhưng khi sang bên phòng xét nghiệm tư tôi vẫn phải đóng tiền”, ông H chia sẻ.
Chưa hết, ông H kể thêm, khi mổ xong đến công đoạn truyền dịch, thuốc thì ông lại được nhân viên y tế yêu cầu phải chuẩn bị bơm tiêm với lý do “hết vật tư y tế”. Vì thế mà, ông lại phải nhờ người nhà mua cả chục bơm tiêm.
Có con nằm điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp, chị Hoàng Thị Ánh Hồng (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) cũng gặp nhiều khó khăn khi mà bệnh viện “hết” vật tư y tế. “Mới hôm qua, mấy cô y tá kêu tôi đi mua kim luồn để truyền kháng sinh cho thằng bé. Không những vậy, ngay từ cái băng keo dán vết thương, chúng tôi cũng phải trang bị. Nhiều chuyện thấy bất cập quá”, chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, những vật tư trên trong bệnh viện thì không có nhưng hầu như các cửa hàng tạp hóa trước cổng bệnh viện thì rất nhiều. “Thấy tôi đang loay hoay tìm đến nhà thuốc, thì họ hỏi mua gì? Tôi nói kim luồn và băng keo dán. Họ kêu ở đây đủ hết, cái gì cũng có. Rồi họ nói, kim luồn 10.000 đồng 1 cái, băng keo dán 25.000 đồng 1 cuộn. Tôi có nói: Sao mắc dữ vậy. Họ kêu, vậy ra nhà thuốc mà mua. Nghĩ không có xe cộ để đi lại nên tôi đành mua cho xong”, chị Hồng kể.
Thật vậy, thời gian qua tình trạng thiếu vật tư y tế cũng như thuốc điều trị trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đang khiến cho nhiều người bệnh khốn đốn và khổ sở hơn bao giờ hết, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Bệnh viện khó
Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế trong các bệnh viện đã gây ra nhiều hệ lụy trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Sự việc này không còn xảy cục bộ, ở một số ít bệnh viện mà hầu như ở các bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện nào cũng đang gặp phải và kéo dài gần 2 năm qua.
Nhiều y tá tôi quen cảm thấy rất mệt mỏi khi có nhiều bệnh nhân không hiểu, không thông cảm và phản ứng rất mạnh. “Hàng ngày việc giải thích về vấn đến thiếu hụt vật tư y tế đến với các bệnh nhân chiếm khá nhiều thời gian của chúng tôi. Cũng ngại lắm, khi cứ phải kêu bệnh nhân đi mua cái này, đi mua cái khác để phục vụ cho công tác điều trị, nhất là đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, nhiều khi chúng tôi phải mượn hoặc xin từ những bệnh nhân khác để giúp đỡ họ. Nghĩ lại chúng tôi lực bất tòng tâm”, một y tá ở Bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ.
Cũng có nhiều bác sĩ có thâm niên, uy tín trong nghề cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến không phải vì họ không điều trị được mà bất lực vì thiếu vật tư, phụ tùng, hóa chất để phục vụ trong công tác điều trị bệnh nhân. Khi giải thích với bệnh nhân, nhiều khi bị bệnh nhân khó chịu: “Các quy định mua sắm vật tư y tế trước giờ đã có, sao đến thời điểm này lại mới bộc lộ khó khăn, khó thực hiện?”. “Chính chúng tôi cũng không mong muốn như vậy. Chúng tôi đang chờ đợi những chính sách sát sườn để cải thiện tình trạng thiếu thuốc, hóa chất vật tư đang diễn ra ở các bệnh viện công. Bởi nếu tình trạng này kéo dài, thiệt thòi không chỉ đẩy về người bệnh, mà ngay chính chúng tôi cũng thấy đau lòng, phải trơ mắt đứng nhìn vì thiếu thốn đủ thứ để phục vụ bệnh nhân…”, bác sĩ này chia sẻ thêm.
Một lãnh đạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh cho rằng, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua. “Trong lĩnh vực trang thiết bị y tế có nghị định rồi vẫn còn phải chờ đợi các thông tư, hướng dẫn để triển khai. Chúng tôi có tiền nhưng không thể mua, không thể đấu thầu”, vị lãnh đạo này nói.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”, mọi khó khăn đang đổ về người bệnh. Hơn lúc nào hết, ngành chức năng, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cần nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình để có thể mua sắm thuốc, vật tư thiết bị y tế phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Lúc này, thật sự cần những cán bộ dám vì dân, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm và dám kịp thời phản ánh, đề xuất giải quyết khó khăn vướng mắc. Chỉ có như vậy, người bệnh mới không còn gặp phải những khó khăn như hiện nay.
Vật tư y tế là khái niệm chung, bao gồm: Vật liệu tiêu hao dùng 1 lần (như găng tay, dây truyền dịch, ống thở, kim tiêm, hộp đựng thuốc…); Dụng cụ y tế (như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế để khám bệnh; Dao phẫu thuật, kéo, kẹp, kim phẫu thuật… hay các dụng cụ nội soi); hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm.