ƯU TIÊN TUYỆT ĐỐI THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ CHO CẤP CỨU
Theo phản ánh từ một số bệnh nhân (BN) chữa trị thận, mới đây, họ được Khoa Thận – lọc máu của Bệnh viện Hữu nghị (BVHN) Việt Đức thông tin sắp hết quả lọc, người bệnh nên tìm cơ sở khác để chuyển nơi chạy thận. “Chúng tôi có liên lạc với một số nơi tại Hà Nội, nhưng đều được cho biết là chưa thể tiếp nhận thêm BN, chỉ có thể lọc máu cho các ca cấp cứu”, một BN lo lắng cho hay.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc BVHN Việt Đức, cho hay với tình huống như BN chạy thận phản ánh, BV đã khẩn trương khắc phục và đảm bảo có đủ quả lọc, tiếp tục duy trì lọc máu cho người bệnh thận nhân tạo.
Không chỉ với một số vật tư phục vụ cho lọc máu thận nhân tạo có nguy cơ thiếu hụt, một số mặt hàng khác tại BVHN Việt Đức cũng thiếu, nguyên nhân được ông Hùng giải thích là do “sau dịch Covid-19, số BN đến khám, phẫu thuật tại BVHN Việt Đức tăng lên khoảng 200% so với thời gian dịch Covid-19, trong khi quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được vượt 130%”.
Giám đốc BVHN Việt Đức cũng bày tỏ trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1 – 2 nhà cung ứng, trong khi BN tăng, cũng tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch mua sắm của BV. Để khắc phục, BV đã phân loại rõ những trường hợp cấp cứu phải tuyệt đối ưu tiên, những trường hợp còn lại thì động viên người bệnh chờ sắp xếp, nên thời gian chờ mổ có thể dài hơn.
Thông tin về tình trạng thiếu hụt một số thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế cũng nhận định, hiện là giai đoạn khó khăn của ngành y tế sau gần 3 năm tập trung chống dịch. Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ y tế từ T.Ư xuống địa phương nhiều người vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc, chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn vướng mắc… đã gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng, đây không phải là hiện tượng mới. Đặc biệt, đối với các thuốc cho hệ thần kinh, hệ tim mạch, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, thuốc tiêu hóa, thuốc kháng độc bạch hầu, vắc xin khẩn cấp cho bệnh sốt vàng, các thuốc – sinh phẩm từ huyết tương của người…
Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới khan hiếm, vấn đề biến động giá cả trên quy mô toàn cầu, vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng xung đột quân sự… làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm. Giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu động lực khuyến khích các nhà sản xuất, sản xuất các loại thuốc mang lại ít lợi nhuận hơn.
Thực tế tại BVHN Việt Đức, ông Hùng nhìn nhận Chính phủ, Bộ Y tế đã có các văn bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên, khi thực hiện bao giờ cũng có độ trễ, vì để triển khai được một gói thầu nhanh cũng phải mất 4 tháng, thông thường là 5 – 6 tháng, thậm chí có gói phải 8 tháng. Có nhiều gói mua sắm vật tư trúng thầu sau quá trình thương thảo, BV nhận được giấy của các hãng xin lùi thời gian giao hàng vì nguồn cung từ nước ngoài gián đoạn.
“Điều này chúng ta phải chấp nhận. Ngay tuần vừa rồi, BV được giấy báo của 3 hãng trúng thầu xin chậm thời gian giao hàng và cho biết “không chắc chắn được thời gian giao cụ thể”. Với tình huống này, chúng tôi phải cân nhắc hình thức mua sắm khác trong trường hợp đặc biệt, tìm mặt hàng thay thế để đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Hiện, BVHN Việt Đức tương đối đủ thuốc, hóa chất xét nghiệm phục vụ khám chữa bệnh”, ông Hùng nói.
ĐỀ XUẤT ĐẤU THẦU TẬP TRUNG QUỐC GIA, BAN HÀNH KHUNG GIÁ
Về khắc phục tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế, Bộ Y tế cho hay đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ; đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu…
Theo báo cáo của 1.076 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10.2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ. Tại BV Bạch Mai, từ đầu năm tới nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc.
“Chúng ta đang áp dụng hình thức mua sắm thông thường cho vật tư, hóa chất có tính chất đặc thù thì kiểu gì cũng có bất cập. Ví dụ có những máy, vật tư cả thế giới chỉ có một hãng, cả VN cũng chỉ có một nhà phân phối. Ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao, để mua được máy móc, thuốc, vật tư cần các quy định mua sắm có tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù”, ông Hùng nêu ý kiến và đề xuất thêm: “Tới đây, chúng ta cũng nên triển khai đấu thầu tập trung quốc gia với các thiết bị, vật tư y tế thiết yếu hoặc được lựa chọn phù hợp với quy hoạch mạng lưới y tế, nhu cầu đề xuất từ các địa phương. Thay vì 1.400 BV lập hội đồng mua sắm, thì sẽ chỉ còn một hội đồng cấp quốc gia. Và khi mua sắm tập trung, số lượng lớn, việc đàm phán giá cũng sẽ lợi thế hơn”.
Băn khoăn về khó khăn để mua sản phẩm chất lượng cao khi đấu thầu mua sắm, giám đốc một BV tại Hà Nội cho rằng quy định hiện hành không có phân nhóm thiết bị y tế khi tham gia thầu, trong khi trang thiết bị y tế của các hãng sản xuất khác nhau, tiêu chí đa dạng nên rất khó trong công tác đấu thầu. Nếu chỉ chọn giá thấp nhất thì lại là sản phẩm có chất lượng thấp hơn. Do đó, cần có quy định phù hợp để các đơn vị vẫn mua được vật tư y tế với chất lượng tốt, giá đúng.
“Khó nhất hiện nay là giám đốc các BV không thể biết hết các loại giá của hàng hóa đấu thầu tập trung. Hiện, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Y tế đã ban hành giá khám bệnh, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước cũng cần quan tâm ban hành giá trang thiết bị y tế, công bố khung giá cụ thể và mỗi năm cập nhật lại về giá. Từ đó, các BV có thể căn cứ mức giá mà mua được sản phẩm phù hợp”, GS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, đề xuất.
Hy vọng không gián đoạn mua sắm thuốc, vật tư y tế
Sau khi Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế có các tháo gỡ khó khăn cho BV, từ tháng 1.2023 đến nay, BV Bạch Mai đã trúng thầu với số lượng lớn về thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc cho khám chữa bệnh. Mới đây, chúng tôi đã trúng thầu các gói thiết bị như: 4 máy cộng hưởng từ; 2 máy CT; mua sắm 2 gói thiết bị nội soi đường tiêu hóa; đã có gói thầu siêu âm, X-quang cho chiếu chụp, khám chữa bệnh. Tuần gần đây nhất, BV đã hoàn thành mua sắm 7 hệ thống phẫu thuật nội soi. Từ nay đến cuối năm 2023, người bệnh đến BV Bạch Mai sẽ không còn chờ đợi lâu, đặc biệt về chụp chiếu.
Song song với triển khai mua sắm, với sự hỗ trợ của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan điều tra Bộ Công an, các thiết bị trước đây phải “đắp chiếu” do liên quan đến pháp lý sẽ trở lại hoạt động. Với một loạt giải pháp đồng bộ, chúng tôi dự kiến sang năm 2024, hầu hết người bệnh đến BV Bạch Mai được khám chữa bệnh, điều trị trong điều kiện đầy đủ cơ bản về trang thiết bị y tế, không phải chờ đợi lâu như thời gian qua.
Hiện BV đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, cơ bản. Tuy nhiên, đôi lúc còn thiếu hụt cục bộ vật tư, một số thuốc do đứt chuỗi cung ứng, một số thuốc trong nước không nhập được nguyên liệu từ nước ngoài. Chúng tôi đang tiếp tục chờ thông tư, nghị định ra đời hướng dẫn thực hiện các luật vừa thông qua, hy vọng trước ngày 1.1.2024, các văn bản này được ban hành và có hiệu lực. Đây là những văn bản chúng tôi mong chờ để việc mua sắm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế không bị gián đoạn, phục vụ người dân khám, chữa bệnh thuận lợi nhất.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai