Kinhtedothi – Đây là một trong những nội dung đại biểu Quốc hội đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thảo luận tại phiên làm việc ngày 31/10 của Kỳ họp thứ 8.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đề nghị bổ sung vào điều 31, Dự thảo Luật nội dung quy định về các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Theo đó, người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện. Đồng thời, cơ sở khám, chữa bệnh tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Đại biểu Đinh Văn Thê cũng nêu thực trạng, trong thời gian qua, mặc dù đã ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh nhưng xảy ra tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hợp đồng. Điều này làm cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của khám, chữa bệnh.
Do vậy, để bảo đảm quan hệ bình đẳng giữa hai bên giao kết, ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng đã ký kết.
“Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm thanh toán theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015” – đại biểu Đinh Văn Thê đề xuất.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung điều 31 về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Theo đại biểu, mặc dù Dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng ở khoản 4, khoản 5. Tuy nhiên, việc bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào mới đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm.
Đại biểu Trần Chí Cường phân tích, mặc dù trước khi trình dự thảo Luật tại Kỳ họp này, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, Thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay… Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế tại điều 31 để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT.
Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề cập tới nội dung về chất lượng khám và thiếu thuốc BHYT. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cử tri bày tỏ bức xúc khi chất lượng khám BHYT không được đảm bảo, đôi khi thiếu thuốc cấp phát cho người bệnh khám BHYT. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần công khai số dư số tiền BHYT hằng năm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thieu-thuoc-co-so-kham-chua-benh-phai-hoan-tra-tien-cho-nguoi-benh.html