Du lịch Bình Thuận với biển xanh – cát trắng – nắng vàng đã vươn xa, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tin tưởng của du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Bình Thuận với khí hậu ôn hòa, nắng ấm quanh năm, có bờ biển dài 192km, là 1 trong 5 tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, di tích văn hóa nổi tiếng, như: Núi Ông, núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu đa dạng sinh học; có cảnh quan đặc trưng nổi tiếng như: Đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà, Suối Tiên, Thác Bà, Bãi đá Bảy màu… và các tài nguyên nhân văn đa dạng như: Tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự… Bình Thuận cũng có nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng mang tầm quốc gia như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, lễ hội Nghinh Ông của cộng đồng người Hoa Phan Thiết, lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú Phan Thiết, lễ hội Dinh Thầy Thím ở La Gi… Bên cạnh đó, Bình Thuận có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn với biển, đảo, hồ, thác, rừng, cùng với hàng chục các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống và những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen của 35 dân tộc đã tạo cho Bình Thuận sức hấp dẫn về du lịch.
Những năm qua, Bình Thuận xác định là điểm đến du lịch, thu hút du khách với các loại hình như: Du lịch thể thao biển, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch tâm linh…; du lịch Bình Thuận đã có bước chuyển biến tiến bộ. Bên cạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, dã ngoại, vui chơi giải trí, tham quan các khu, điểm du lịch ven biển, du lịch tín ngưỡng thông qua các lễ hội truyền thống đã thu hút một lượng lớn du khách, nhất là khách nội địa trong dịp hè, lễ, tết và cuối tuần. Bình Thuận còn phát huy tốt loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng – biển – đồi cát, du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch cộng đồng… thu hút khá đông du khách, nhất là tại địa bàn Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong và Phú Quý. Đặc biệt, tuyến du lịch đảo Phú Quý đang là điểm đến thu hút khá đông du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Gần đây Bình Thuận đã hình thành được một số sản phẩm, điểm du lịch mới như: Bãi biển – công viên giải trí NovaWorld, công viên nước Wonderland, khu vui chơi giải trí mạo hiểm trong khu phức hợp Centara, du lịch nông nghiệp, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ… góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút thêm du khách. Các khu vực sản xuất rau, hoa, cây cảnh, trang trại thanh long, các cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến hải sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… được khuyến khích, hỗ trợ hoạt động, góp phần phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng ngày càng cao, toàn tỉnh hiện có 597 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 19.096 phòng. Ngoài ra còn có 315 biệt thự du lịch và 1.019 căn hộ du lịch; có 22 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động là 118 người, trong đó có 31 hướng dẫn viên quốc tế, 51 hướng dẫn viên nội địa và 36 hướng dẫn viên tại điểm.
Thu hút du khách
Sản phẩm du lịch của Bình Thuận đã ngày càng hấp dẫn, phong phú với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch liên tục phát triển, chất lượng ngày càng cao đã thu hút du khách trong và ngoài nước. Năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Đến nay du lịch Bình Thuận đã định vị được thương hiệu du lịch Mũi Né – Phan Thiết trên bản đồ du lịch thế giới, được nhiều tạp chí có uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng như: Mũi Né là 1 trong 10 bãi biển du lịch tốt nhất thế giới (Bounce); Mũi Né là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam (Tạp chí Forbes; Cẩm nang du lịch Lonely Planet, Mỹ); Mũi Né là 1 trong 6 điểm đến kinh tế cho kỳ nghỉ mùa thu (booking.com)…
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau thành công của Năm Du lịch quốc gia – Bình Thuận “Hội tụ xanh” năm 2023, du lịch tỉnh Bình Thuận càng tăng trưởng cả về chất và lượng, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong cả nước.
Mặc dù được đón nhận, nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng nền du lịch Bình Thuận vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, để nâng tầm, định vị thương hiệu du lịch, Bình Thuận sẽ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Công tác chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến du lịch cũng được chú trọng như xây dựng website, cổng thông tin du lịch thông minh. Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa việc “đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ có lợi thế của tỉnh”, trong thời gian đến ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia” trong đó đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế. Triển khai tốt đề án Phan Thiết City tour và Kế hoạch triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2030. Thường xuyên tổ chức các chương trình khảo sát các sản phẩm, loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn như các điểm tham quan du lịch mới tại Mũi Né – Phan Thiết, Bàu Trắng, Cù Lao Câu, hồ Hàm Thuận – Đa Mi, Kê Gà – Hàm Thuận Nam, Thác Bà – Tánh Linh, đảo Phú Quý, tuyến du lịch Tà Năng – Phan Dũng, tour “lên rừng, xuống biển”, tour du lịch “đất liền, biển đảo”…
Song song đó, Bình Thuận tập trung công tác bảo vệ, bảo tồn, phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng ngập mặn, khu bảo tồn biển; bảo vệ diện tích rừng hiện có; trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng để phủ xanh các diện tích đất trống, đồi núi trọc, tạo môi trường xanh, khí hậu trong lành để góp phần thu hút du lịch. Giữ gìn cảnh quan thiên nhiên sẵn có; phát triển thêm các khu vực khác có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Cùng với sự đổi mới của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, đã khẳng định thế mạnh vượt trội khi là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính. Thời gian đến, du lịch Bình Thuận sẽ luôn đặt trong tâm thế nâng cao khả năng cạnh tranh với các địa phương thế mạnh ven biển khác để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng hướng đến bảo vệ môi trường nhằm níu chân du khách.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/du-lich-binh-thuan-khi-thuong-hieu-duoc-khang-dinh-124164.html