Dự báo tình hình thế giới năm 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trái chiều, đan xen giữa hy vọng và lo âu, quanh các tâm điểm, trên nhiều lĩnh vực. Ẩn sau bề nổi đa chiều đó là gì?
Thế giới năm 2025 vẫn ngổn ngang những mối lo âu xen lẫn hy vọng. (Nguồn: Getty Images) |
Nơi hạ nhiệt, nơi nóng lên
Điểm nóng Ukraine, Trung Đông chưa thấy lối thoát rõ ràng nhưng có dấu hiệu hạ nhiệt. Xung đột đã khá dài, các bên tham chiến đều thấm mệt hoặc ưu thế dần nghiêng về một phía. Áp lực quốc tế tăng cao, cả với bên trong và bên ngoài. Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ điều chỉnh chiến lược trước cục diện mới. Đồng thời, chính họ là nhân tố tác động lớn đến cục diện.
Bóng đen tiếp tục phủ bóng chính trường Hàn Quốc với những đòn đấu khó đoán định, có sự can dự của cơ quan pháp luật với một bộ phận lực lượng quân sự, lôi kéo nhiều người dân tham gia. Eo biển Đài Loan, Biển Đông, châu Phi… vẫn tiềm ẩn bất ổn.
Kênh đào Panama dậy sóng, vùng đất băng giá Greenland có nguy cơ “tan băng” sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Thứ gì cũng có thể mua bằng rất nhiều tiền và bằng sức ép cực lớn! “Mua” Greenland không chỉ nhằm vào kho tài nguyên chìm mà còn là hình thức sở hữu lãnh thổ mới bằng “sức mạnh mềm và cứng”, mở đường kiểm soát Bắc cực.
Các điểm nóng mới khó có nguy cơ bùng phát thành xung đột quân sự, cuộc chiến khu vực, nhưng có nguy cơ nóng lên. Đặc biệt là tạo ra tiền lệ mới rất nguy hiểm, vẽ lại bản đồ chính trị thế giới!
Phân mảnh và liên kết, hợp tác kinh tế
Cạnh tranh ngôi vị số một giữa Mỹ và Trung Quốc, được cho là tất yếu khi tham vọng cường quốc lớn mà chưa có một cơ chế đủ sức kiểm soát. Lệnh trừng phạt kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc, phương Tây và Nga tiếp tục tăng cả về lượng và chất. Sự phân mảnh chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu sâu sắc hơn.
Ở chiều ngược lại, liên kết, hợp tác kinh tế giữa BRICS với các đối tác, giữa Trung Quốc với châu Phi, trong khu vực Nam bán cầu, tiểu khu vực ASEAN… sôi động, hiệu quả, là điểm sáng toàn cầu. Nếu sự phân mảnh thế giới chủ yếu do tham vọng, chính trị hóa, vũ khí hóa kinh tế của một số nước lớn thì xu hướng liên kết, hợp tác khu vực, tiểu khu vực là nhu cầu tất yếu của phát triển, nhằm tìm kiếm sự cân bằng, giảm bớt phụ thuộc. Hai xu hướng này tiếp tục tồn tại.
Bùng nổ công nghệ, đan xen cơ hội và thách thức
Công nghệ mới bùng nổ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số, công nghệ lượng tử, công nghệ vũ trụ…, và sự tích hợp của chúng trở thành động lực phát triển, tạo ra những thành tựu chưa từng có. Các cường quốc chiếm hữu, biến nó thành bảo bối chi phối, tăng cường bảo hộ, cạnh tranh gay gắt, làm phân mảnh nguồn lực, địa bàn, gia tăng sự bất bình đẳng về hưởng thụ thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại.
AI nâng khả năng của con người lên tầm cao mới nhưng cũng có thể làm trầm trọng thêm căn bệnh thất nghiệp, khiến một bộ phận phụ thuộc vào công nghệ. Đặc biệt, để AI lấn át việc ra quyết định trong lĩnh vực quân sự, thiếu cơ chế giám sát có nguy cơ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho con người.
Ô tô bị mắc kẹt trong nước lũ khi cơn bão nhiệt đới Helene tấn công ở Boone, Bắc Carolina, Mỹ vào ngày 27/9/2024. (Nguồn: Reuters) |
Thiên tai, thảm họa làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng
Năm 2025, tiếp tục xu hướng dị thường của biến đổi khí hậu với những kỷ lục không mong muốn. Dòng người di tản vì thiên tai, nhân tai vô định. Không một quốc gia nào có thể sống trong ốc đảo, đứng ngoài mọi thiên tai, thảm họa. Ở các quốc gia chậm phát triển, tác động của thiên tai, thảm họa càng khốc liệt bội phận. Năng lượng sạch, kinh tế xanh, thỏa thuận đóng góp thêm cho ứng phó biến đổi khí hậu tại COP29 chưa đủ khỏa lấp “lỗ hổng”.
Lẽ ra, thách thức càng lớn, càng phải quyết tâm, chung sức, đồng lòng, dồn lực toàn cầu đối phó. Nhưng một số nước giàu, hưởng lợi từ tài nguyên, tác nhân chính gây khí nhà kính, lại đóng góp không tương xứng, thậm chí đơn phương rút khỏi cơ chế chung. Sự phân tán, phân mảnh nguồn lực càng làm trầm trọng tác động khốc liệt của thiên tai, thảm họa và sự bất bình đẳng trong “ngôi nhà chung”.
Đa cực, đa phương và hy vọng khởi đầu
Chuyển dịch đan xen, trái chiều quanh các tâm điểm, trên nhiều lĩnh vực là những biểu hiện cụ thể cho sự cọ xát giữa đơn cực và xu thế đa cực, đơn phương và đa phương. Sự đối đầu địa chính trị, cạnh tranh quyền lực, vai trò chi phối và lợi ích chiến lược giữa các nước lớn là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Vết rạn lợi ích giữa Mỹ với đồng minh châu Âu sẽ càng rõ hơn sau ngày 20/1. Xuất hiện nguy cơ va đập mới giữa Washington với Copenhagen và Ottawa, mà ở đó chủ nghĩa đơn phương, sức mạnh, sức ép, lợi ích nước lớn đè lên luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các liên minh liên quan, đồng minh có vẻ “im hơi lặng tiếng”.
Trật tự thế giới cũ được một số nước lớn cố duy trì, trong khi trật tự mới chưa đủ hình hài nhưng vẫn là xu thế không thể đảo ngược. Theo thông báo ngày 7/1 của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Indonesia trở thành thành viên thứ 10. Cùng với đó là 8 quốc gia đối tác và hàng chục nước trên các châu lục mong muốn tham gia BRICS. Sự thay đổi về lượng chuyển hóa thành chất mới.
Vai trò, ảnh hưởng của G7 suy giảm, G20 khó đồng thuận vì sự khác biệt giữa các nhóm thành viên. Đối lại, BRICS không ngừng lớn mạnh, ngày càng thể hiện là một tập hợp lực lượng mới đủ sức tham gia cuộc chơi chính trị, kinh tế, thương mại toàn cầu. Cùng với đó, tiếng nói của các quốc gia Nam bán cầu càng thống nhất, có trọng lượng hơn trong nhiều vấn đề quốc tế.
Sự củng cố khối Nam bán cầu, sức hút của BRICS không đồng nhất với chọn phe, lật đổ sự thống trị của USD mà nhằm giảm sự phụ thuộc, tìm kiếm công bằng, dựa trên nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đó là những biểu hiện sinh động của xu thế đa cực, đa phương ngày càng rõ. Khác với quy luật tự nhiên, sự vận động xã hội phải thông qua hoạt động của con người. Cuộc đấu tranh phức tạp, thậm chí có khúc quanh, nhưng sẽ hiện thực hóa.
Năm 2025 được kỳ vọng là một khởi đầu mới của liên kết, hợp tác, cho xu thế đa cực hóa. Niềm tin được thể hiện qua thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonyo Guteress, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới và ngay trong sự dịch chuyển đan xen, đa chiều.
Nguồn: https://baoquocte.vn/the-gioi-2025-nam-cua-nhung-dich-chuyen-dan-xen-da-chieu-lo-au-va-hy-vong-300743.html