Rời quê hương để bén duyên với “nghề lái đò” thầm lặng trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, 18 năm – một con số đủ để thầy Vũ Văn Tùng (44 tuổi) – giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) thấu hiểu và nặng lòng hơn với những phận đời khó khăn, bất hạnh. Bằng sự tận tâm và bền bỉ hy sinh, thầy không chỉ giúp các em vững bước đến trường mà còn lan tỏa giá trị nhân văn thông qua các hoạt động thiện nguyện thiết thực như “Tủ bánh mì 0 đồng” và hỗ trợ xây nhà cho gia đình học sinh khó khăn. |
Thầy Vũ Văn Tùng (áo trắng) lan tỏa giá trị nhân văn thông qua các hoạt động thiện nguyện thiết thực như “Tủ bánh mì 0 đồng” và hỗ trợ xây nhà cho gia đình học sinh khó khăn. Ảnh: Hiền Mai |
Không để trò bỏ học giữa chừng
Người ta vẫn hay gọi xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) là “hốc Pờ Tó” bởi nơi này nằm heo hút phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, đường sá đi lại trắc trở, người dân cơ cực khốn khó vô cùng. Ở đây mùa khô thì nắng bỏng rát, mặt mũi áo quần phủ đầy bụi đỏ; mùa mưa đường sình lầy, trơn trượt, ít ai muốn lui tới nếu không có việc gì quan trọng. Ấy vậy mà, gần 20 năm nay, trên hành trình ươm mầm tri thức, bước chân không mỏi của thầy giáo Vũ Văn Tùng đã chạm đến biết bao nhiêu bản làng xa xôi cách trở nơi đây. Kể về cuộc đời mình, thầy Tùng cho biết thầy xuất thân trong một gia đình lao động nghèo ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Tuổi thơ của thầy là chuỗi ngày cơ cực, bữa no bữa đói. Song, nhờ ân tình của những thầy cô năm xưa, cậu học trò nghèo có thêm động lực để thêu dệt ước mơ con chữ, nuôi ước vọng trở thành giáo viên trả ơn đời. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2005, thầy Tùng tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử tại Trường Đại học Đà Lạt. Tháng 11/2007, thầy Tùng trúng tuyển biên chế giáo viên và công tác tại Trường THCS Cù Chính Lan (xã Ia KĐăm, huyện Ia Pa). Đến năm 2015, thầy xung phong vào giảng dạy ở vùng khó khăn khi Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa được thành lập cho đến nay. |
Việc vận động học sinh đến trường cũng như duy trì sĩ số đến lớp là một thách thức lớn với các giáo viên nơi đây. Ảnh: Hiền Mai |
Kí ức về những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này vẫn vẹn nguyên trong tâm trí thầy. Thầy Tùng nói đó là những ngày tháng khó khăn chồng chất mà thầy không thể nào quên. “Về công tác tại đây tôi mới thực sự thấm thía những gian khổ mà bà con nơi đây phải chịu. Ở đây, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, từ nhà đến trường 40 km nhưng tôi phải đi mấy tiếng đồng hồ. Chưa kể, thời điểm đó, xã Pờ Tó chỉ vỏn vẹn hơn 380 hộ dân, trong đó gần 90% là người dân tộc Ba Na. Ở đây cha mẹ không mặn mà gì với sự học của con cái nên việc vận động học sinh đến trường cũng như duy trì sĩ số đến lớp là một thách thức lớn với các giáo viên. Không ít lần tôi cùng các thầy cô khác đến nhà vận động cha mẹ cho con đi học và nhận được những lời nói nặng nhẹ của phụ huynh, thậm chí có người còn xua đuổi. Họ nói cho con ở nhà đi làm mới có tiền, đi học không phụ giúp gì được gia đình. Thế nhưng không nản chí, tôi càng quyết tâm đưa bằng được các em tới trường, một hôm không được thì 2-3 hôm, khi nào cha mẹ chịu cho con tới trường thì thôi” – thầy Tùng nhớ lại. Kiên trì từng ngày, thầy Tùng phối hợp cùng già làng và những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng người dân tộc Ba Na để thay đổi nhận thức mỗi gia đình về tầm quan trọng của việc cho con em đi học. Kết quả, tỷ lệ bỏ học ở trường thay đổi đáng kể, phụ huynh khi thấy thầy cô đến thăm thì rất hoan nghênh. |
“Những công việc ở nhà tôi đều dựa vào vợ. Bản thân tôi đi làm xa nhà, cả đi cả về hết 80km, còn chưa kể đến những ngày phải lên núi để tìm học sinh, vận động các em đi học. Có những ngày về nhà đã là 10 giờ đêm, thậm chí có những hôm tôi phải ngủ qua đêm ở trường” – thầy Tùng kể. Năm 2021, thầy Tùng quyết định làm hồ sơ xin về công tác tại khu vực gần nhà để đỡ đần vợ con, đồng thời thầy cũng muốn chăm sóc sức khỏe sau nhiều năm phải vượt 80km mỗi ngày. Thầy ngồi trong lớp học viết hồ sơ rồi đi ra ngoài, khiến học sinh vô tình nhìn thấy. Đến khi trở về lớp, các em học sinh cùng nói: “Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng em”. Chỉ sau câu nói này của học sinh, thầy quyết định cất tập hồ sơ, từ bỏ việc xuống xuôi dạy học và tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh đến tận bây giờ. |
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp đa phần là các em học sinh người Ba Na. Ảnh: Hiền Mai |
Nhân văn “Tủ bánh mì 0 đồng”
Thầy Tùng đã không chỉ làm tròn trách nhiệm giảng dạy mà còn đặc biệt quan tâm tới bữa ăn, đời sống của học trò nghèo. Gắn bó với học sinh nơi đây, thầy Tùng không ít lần chứng kiến nhiều em nhịn đói đi học, giờ ra chơi tranh thủ về nhà kiếm đồ ăn cho đỡ đói. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch nông sản, bố mẹ các em lên rẫy từ sáng sớm đến tối mới về, nhiều em phải tự túc mọi thứ. Từ suy nghĩ giúp cho các em no bụng để đi học, có thêm động lực để tới trường, thầy Tùng đã nảy lên suy nghĩ phải xây dựng một quỹ dành cho học sinh. Sau quá trình kêu gọi, nhờ sự đóng góp của một số nhà hảo tâm mà thầy vận động xây dựng được quỹ. Ngày 5/12/2021, “Tủ bánh mì 0 đồng” chính thức được đi vào hoạt động. Mới đầu “Tủ bánh mì 0 đồng” chỉ đủ kinh phí hỗ trợ khoảng 60 ổ bánh mì cho các em học sinh tại khu lẻ điểm trường làng Bi Giông. Từ ý tưởng của thầy, một chủ lò bánh mì đã nhận hỗ trợ 60 ổ bánh mì để phát vào sáng thứ 2. Bánh ít, trò đông, các em phải bẻ đôi, bẻ ba để chia nhau. Thương học trò, thầy Tùng trích tiền lương của mình để mua đủ bánh mì phát cho hơn 200 em vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Dần dần, “Tủ bánh mì 0 đồng” nhận được sự ủng hộ thường xuyên của các nhà hảo tâm. Từ tháng thứ 2 trở đi, nhờ được bạn bè và nhiều tấm lòng nhân ái đóng góp, chia sẻ nên thầy Tùng không còn phải bỏ tiền lương ra nữa, mà chỉ bỏ công sức của mình để đi lấy bánh và đều đặn phát bánh cho học trò. Từ những ổ bánh mì không, các em được thưởng thức bánh mì có sữa, xúc xích; thỉnh thoảng thay thế bằng bánh bao. Kinh phí mua bánh mì để phát cho học sinh khoảng 1 triệu đồng/buổi. |
Những bữa ăn sáng miễn phí tiếp thêm động lực cho trò nghèo tới trường. Ảnh: Hiền Mai
Cứ như vậy, đều đặn 3 năm qua, vào 4 giờ 30 phút mỗi ngày, thầy giáo Tùng lại khởi hành với chiếc xe máy từ nhà (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) đến trường. Trên quãng đường dài 40km ấy, thầy ghé vào tiệm bánh mì để lấy phần ăn sáng cho hơn 200 học sinh. 6 giờ sáng, các em đã xếp hàng ngay ngắn, háo hức nhận những ổ bánh mì nóng hổi từ tay thầy giáo. Chia sẻ về dự án này, thầy Tùng cho biết: “Tủ bánh mì 0 đồng” ra đời với khát khao mang đến những bữa ăn sáng miễn phí, ấm áp và đầy đủ dinh dưỡng cho học trò nghèo, giúp các em no bụng đến trường, tập trung học tập và vượt qua khó khăn. Bằng những phần bánh mì nhỏ, chúng tôi mong muốn các em sẽ luôn cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ cộng đồng, cũng như niềm tin rằng mọi nỗ lực học tập đều sẽ được đền đáp. Mục tiêu cuối cùng mà “Tủ bánh mì 0 đồng” hướng tới là sẽ không một học sinh nào phải bỏ học vì đói. Chúng tôi mong muốn rằng tất cả các em ở khu vực được hỗ trợ đều có cơ hội được đến trường và học tập đầy đủ. |
Lo cho học sinh no cái bụng xong, thầy Tùng lại nhìn ra những vấn đề khác để níu chân học trò vùng khó đến lớp, đó là sinh kế, là nơi trú ngụ. Từ năm 2021 đến nay, thầy đã kết nối nguồn lực để tặng 16 mô hình sinh kế, 4 căn nhà và hàng ngàn suất quà, hàng chục tấn gạo cho học trò nghèo. Hướng đến giải pháp lâu dài và bền vững hơn, thầy Tùng tiếp tục thực hiện mô hình “Trao sinh kế cho học trò nghèo”. “Tủ bánh 0 đồng” đã trao 5 con dê sinh sản có trị giá hơn 10 triệu đồng và 6 con bò sinh có trị giá hơn 70 triệu đồng cho 8 em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, các vật nuôi đã sinh sản và phát triển tốt, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tạo động lực để học sinh bám trường bám lớp. Cũng từ nguồn kinh phí vận động được, thầy Tùng đã mua 5 con bò giống sinh sản, gửi nuôi tại chuồng của dân để xây dựng quỹ sinh kế hỗ trợ lâu dài cho học sinh với số tiền gần 80 triệu đồng. Thầy cũng hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo và học sinh chữa bệnh. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, thầy Tùng cho biết: “Sắp tới, mình sẽ mở rộng địa bàn hoạt động, tăng số lượng tủ bánh mì để hỗ trợ được nhiều học sinh hơn. Dự án “Tủ bánh mì 0 đồng” sẽ không đơn thuần cung cấp bánh mì mà còn cung cấp các loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Bên cạnh đó, mình sẽ kết nối với các trường học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp để cùng nhau thực hiện các hoạt động thiện nguyện và mục tiêu lớn nhất là xây dựng các quỹ học bổng để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về tài chính để tiếp tục con đường học tập”. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy Tùng đã góp phần thay đổi cuộc sống của học sinh và gia đình các em, mang lại hi vọng và tri thức cho những học trò nhỏ. “Những việc làm của tôi còn rất nhỏ bé song hy vọng nó sẽ mang đến những sự lan toả tốt đẹp trong cuộc sống, phần nào giúp các em vượt qua khó khăn, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống” – thầy Tùng bộc bạch. |
Nhìn học trò được no bụng, nở nụ cười hạnh phúc là mong mỏi lớn nhất của thầy Tùng. Ảnh: Hiền Mai |
Với những nỗ lực không mệt mỏi vì học trò, tháng 11/2023, thầy Tùng là một trong số 58 nhà giáo công tác ở các khu vực khó khăn được chọn vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Thầy còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024. |
Một số hình ảnh dự án “Tủ bánh mì 0 đồng” hỗ trợ nhà ở cho các em học sinh nghèo vượt khó; tổ chức các chương trình “Tết yêu thương”, “Tiếp bước học sinh tới trường” để mang các phần quà thiết thực tới trò nghèo. Ảnh: Hiền Mai
Thầy Vũ Văn Tùng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nằm trên địa bàn khó khăn với đa phần học sinh là người dân tộc Ba Na nên các em thường hay nhịn ăn sáng vì không có điều kiện. Nhờ “Tủ bánh mì 0 đồng” của thầy Tùng mà các em có bữa sáng ấm bụng, đi học đều đặn hơn, góp phần duy trì sĩ số học sinh. Ngoài chuẩn bị đồ ăn sáng, nhiều năm qua, thầy Tùng còn tặng nhu yếu phẩm cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng bò cho gia đình học trò tăng gia sản xuất. Những việc làm của thầy Tùng nhà trường rất ghi nhận và biểu dương.” Thầy Lê Công Tấn – Hiệu trường Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp |
Thực hiện: Hiền Mai
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-lai-thay-giao-lang-va-hanh-trinh-gieo-hy-vong-uom-mam-tri-thuc-cho-tro-ngheo-362683.html