Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng nay, 12.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là khoáng sản nhóm III
Báo cáo Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về phân loại khoáng sản (Điều 7), có ý kiến đề nghị cần phân định rõ các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay; đề nghị quy định cụ thể danh mục khoáng sản theo nhóm kèm theo dự thảo Luật.
Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tại khoản 1 Điều 7 đã quy định phân nhóm khoáng sản mang tính nguyên tắc dựa trên công dụng và mục đích quản lý. Tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng danh mục khoáng sản nhóm I, khoáng sản nhóm II, khoáng sản nhóm III trong Nghị định hướng dẫn chi tiết để có cơ sở thực hiện.
Về ý kiến liên quan đến khoáng sản làm vật liệu san lấp, dự thảo Luật đã quy định là khoáng sản nhóm IV và được thực hiện theo thủ tục hành chính đơn giản, quy định tại Mục 4 Chương VI – Đăng ký hoạt động khai thác khoáng sản nhóm IV. Có ý kiến đề nghị cần xem lại quy định xếp nước khoáng chung nhóm khoáng sản với kim loại quý, đá quý (khoáng sản nhóm I) để tạo điều kiện cho người dân khai thác nguồn nước nóng thiên nhiên thu hút du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoáng sản là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã được quy định là khoáng sản nhóm III trong dự thảo Luật.
Đánh giá kỹ tác động của chính sách mới
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rất chi tiết, rõ ràng, tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Bảy.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường; ghi nhận Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị, lắng nghe nghiêm túc các ý kiến.
Nhấn mạnh Luật Địa chất và khoáng sản là luật quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng; cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò và khai thác.
Qua làm việc với các địa phương cho thấy, có 5 nhóm kiến nghị về những vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật; trong đó, 3 nhóm có giải pháp giải quyết rõ ràng trong dự thảo Luật lần này, 1 nhóm vướng mắc hiện còn 2 phương án lựa chọn liên quan đến Điều 16 dự thảo Luật về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản.
“Dù là phương án nào thì cũng phải làm rõ căn cứ, yêu cầu để đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sắp tới cũng như trình Quốc hội biểu quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm đối với 2 nội dung còn 2 phương án khác nhau là Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật. Đối với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản từ quy định của Luật hiện hành là Bộ Xây dựng và Bộ Công thương sang tập trung thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường như dự thảo Luật. “Đánh giá tác động chính sách cũng là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Đối với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chuyên môn, về khả năng có thể quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản theo dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10.2.2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khi xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải cập nhật đầy đủ tinh thần, chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết. Đây là căn cứ vững chắc về sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội cụ thể hóa thành văn bản luật, Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. “Những vấn đề nào “đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh” thì sửa đổi, còn những vấn đề “chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh” thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật”.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng liệu có các nhóm lợi ích trong xây dựng dự thảo Luật hay không.
Cho ý kiến về phân nhóm khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cách tiếp cận của dự thảo Luật là phân nhóm dựa trên cả công dụng và mục đích quản lý. Công dụng đã thấy rất rõ và ĐBQH cũng đề nghị phân loại theo công dụng, tuy nhiên, phân loại theo mục đích quản lý rất quan trọng, tùy theo từng giai đoạn mục đích quản lý có thể thay đổi. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ.
Đối với những nội dung còn thiết kế 2 phương án liên quan đến quy hoạch khoáng sản và điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chưa nên đóng khung ngay chọn phương án nào mà cần phân tích sâu thêm về ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, sau đó trình tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận, sau đó trình Quốc hội thảo luận tiếp. “Bởi, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm; đổi mới lúc nào cũng sẽ khó, nhưng giữ nguyên thì lại không có đổi mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phát biểu tiếp thu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu tham dự, đồng thời cho biết sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu các nội dung đóng góp xây dựng dự án Luật có được chất lượng tốt nhất.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để bảo đảm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH được tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục. Đồng thời, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, bảo đảm chất lượng cao nhất của dự án Luật.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-than-trong-ky-luong-chac-chan-378164.html