Đồng chủ trì cuộc họp với Thứ trưởng Trần Quý Kiên có ông Nguyễn Trường Giang – Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam và ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam.
Về dự cuộc họp có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Bộ là các thành viên của Tổ biên tập dự án Luật Địa chất và Khoáng sản và đại diện các cơ quan có liên quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Trong suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cũng như các lần tổ chức Hội thảo, đặc biệt các hội thảo lấy ý kiến của các địa phương, Bộ, ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp tại ba miền, Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã nhận được sự đồng hành của phần lớn các đại biểu tham dự cuộc họp hôm nay.
Tổ biên tập đã tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở kết quả lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật tại hội thảo ba miền cũng như văn bản góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các góp ý cho dự thảo Luật sau khi dự thảo Luật được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Thứ trưởng đánh giá cao ý tưởng tổ chức làm việc theo ba nhóm chuyên đề về địa chất, khoáng sản và công cụ kinh tế trong cuộc họp hôm nay. Đây là cơ hội để Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhận được những ý kiến cụ thể hơn, những nội dung cô đọng nhất từ các chuyên gia, là cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT.
Tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo lần 2, ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, những vấn đề có nhiều ý kiến trong dự thảo Luật gồm: Phạm vi điều chỉnh; phân nhóm khoáng sản và quy định biện pháp quản lý theo từng nhóm; tổ chức bộ máy của Hội đồng trữ lượng khoáng sản quốc gia; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; nguyên tắc hoạt động địa chất, khoáng sản; quyền lợi của địa phương và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác; khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; những hành vi bị cấm.
Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề lớn khác như: Trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp; khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; sử dụng đất, khu vực biển, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Những vấn đề khác trong dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý như: Thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; sử dụng đất, khu vực biển, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản.
Ngoài ra, còn hàng chục nội dung khác trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng nhận được các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và cá nhân.
Cuộc họp diễn ra trong hai ngày từ 8-9/11 theo ba nhóm chuyên đề, dự kiến sẽ thu được nhiều ý kiến trao đổi của các thành viên Tổ biên tập và đại diện các đơn vị liên quan, sau đó từng nhóm sẽ trình bày kết quả họp và tiếp tục thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trước khi tổ chức họp Ban soạn thảo. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung của cuộc họp trong các tin bài tiếp theo.
Dưới đây là những hình ảnh tại cuộc họp