Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Đại Trung – Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Trong năm 2023, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam (Tiểu ban) đã phối hợp với các Ban quản lý Công viên địa chất (BQL CVĐC): Đồng Văn, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức các hội thảo hội nghị quốc tế; tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng về các hoạt động của UNESCO về CVĐC, về bảo tồn; xây dựng các mô hình phát triển CVĐC tại các địa phương; hỗ trợ trong công tác tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO…
BQL Cao Bằng đã tổ chức chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm giữa các thành viên mạng lưới đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng tại một số điểm du lịch cộng đồng, nhà hàng, khách sạn đang hoạt động hiệu quả, những homestay độc đáo, chất lượng đang thu hút du khách hiện nay như: Lan’s homestay; Mộc homestay; Nasan Green Farm; Khuổi Ky…; các làng nghề truyền thống như làng Giấy Bản Dìa Trên, làng Rèn Pắc Rằng… Đồng thời tham quan các điểm di sản trên tuyến CVĐC; mở 13 lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về CVĐC cho các cá nhân, cộng đồng dân cư, các đối tác CVĐC, với số lượng 586 người.
BQL Đồng Văn tổ chức 2 lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại huyện Quản Bạ và Mèo Vạc cho 80 người là lãnh đạo, giáo viên các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn vùng CVĐC vào tháng 10/2023.
BQL Đắk Nông tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ năng dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc M’nông tại huyện Krông Nô và lớp tập huấn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn Kỹ năng tái chế rác thải thành các sản phẩm có ích cho các học sinh trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông; các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC cho học sinh trong vùng CVĐC; tập huấn bổ sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
BQL Lạng Sơn tổ chức Lớp tiếng Anh cơ bản ngắn hạn dành cho viên chức Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn và các homestay đối tác CVĐC Lạng Sơn; 8 Lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về CVĐC, xây dựng hình ảnh làng nghề, sản phẩm tiềm năng mang thương hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO; Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn; Hội thảo “Ẩm thực – Sản vật tiêu biểu vùng CVĐC Lạng Sơn & khách hàng, người tiêu dùng thông thái thành phố Lạng Sơn”.
Trong năm 2023, Tiểu ban cũng đạt được nhiều kết quả trong hoạt động hợp tác quốc tế (tổ chức, tham gia hội thảo hội nghị; công tác ứng cử tại các cơ quan chuyên môn); thông tin, tuyên truyền, quảng bá các khu di sản thế giới tại Việt Nam; tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO; xây dựng các mô hình phát triển của UNESCO tại địa phương; phối hợp, hỗ trợ với các địa phương chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản, bảo tồn và quản lý di sản; báo cáo định kỳ/tái thẩm định khu di sản theo quy định UNESCO; bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO; tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý di sản thế giới tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đại Trung, trong năm 2024, Tiểu ban sẽ phối hợp với BQL Cao Bằng triển khai các nhóm công việc xây dựng và phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng đáp ứng yêu cầu và khuyến nghị của UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu đối với CVĐC Non nước Cao Bằng; phối hợp tư vấn Chuẩn bị kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần 2 (dự kiến năm 2025).
Bên cạnh đó, phối hợp với BQL Đồng Văn triển khai các nhóm công việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn đáp ứng yêu cầu và khuyến nghị của UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu đối với CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn; phối hợp với BQL Đắk Nông triển khai các nhóm công việc xây dựng và phát triển CVĐC Đắk Nông đáp ứng yêu cầu và khuyến nghị của UNESCO và Mạng lưới CVĐC toàn cầu đối với CVĐC Đắk Nông.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hoàn thiện Đề án thu phí ở CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn và Cao Bằng để có nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường và hoạt động tăng cường sinh kế cho người dân trong vùng CVĐC; phối hợp với BQL Lạng Sơn trong kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn năm 2024 và trong các công tác tiếp theo sau khi đã đệ trình Hồ sơ lên UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn trở thành CVĐC toàn cầu UNESCO…
Tại Hội nghị, đại diện Bộ KH&CN, đại diện CVĐC toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, CVĐC toàn cầu non nước Cao Bằng, CVĐC toàn cầu Đắk Nông, CVĐC Lạng Sơn đã đóng góp ý kiến nhằm đưa hoạt động của Tiểu ban trong năm 2024 ngày càng hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chuyên gia cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC.
Tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị, ông Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Chủ tịch Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam cho biết, trong năm qua, các BQL CVĐC gặp khó khăn chung về cơ cấu tổ chức và kinh phí hoạt động, nhưng các BQL đã nỗ lực vượt qua.
Theo Chủ tịch Tiểu ban, trong năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm của Tiểu ban cũng như các thành viên trực thuộc là tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng và chuẩn bị kỳ tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần 2, trong đó chú ý phân vai cụ thể cho từng thành viên.
Ông cũng đề cập đến giải pháp thúc đẩy hoạt động của Tiểu ban cho giai đoạn tới, trong đó đề xuất với chính quyền các tỉnh Cao Bằng, Đắk Nông và Lạng Sơn xây dựng các Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm hội nghị, hội thảo và khu lưu trú, dịch vụ cho chuyên gia gắn với công viên văn hóa tại các CVĐC.
Theo ông Trịnh Hải Sơn, Luật Khoáng sản năm 2010 vẫn chưa hướng dẫn về tiêu chí công nhận, xếp hạng di sản địa chất. Trong khi Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định lần 3 nên vẫn chưa có cơ sở triển khai thực hiện xếp hạng di sản địa chất. Để giải quyết vấn đề này, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã đề nghị Cục Địa chất Việt Nam – 1 trong 2 đơn vị được Bộ TN&MT giao xây dựng dự thảo Luật – xây dựng các tiêu chí phân loại di sản địa chất, đưa các tiêu chí này vào dự thảo Luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật.