Trên bản đồ ẩm thực, nhắc đến bánh đa cua thì chắc chắn phải là Hải Phòng, như thể phở Hà Nội, bún bò Huế hay hủ tiếu Sài Gòn vậy. Bát bánh đa cua được trình bày hấp dẫn với những sợi bánh đa đỏ sậm, gạch cua nâu nâu, cà chua đỏ tươi, chả lá lốt xanh đậm, chả viên vàng nâu, hành khô phi vàng rộm, hành lá biêng biếc xanh… Người đứng bếp phải kỹ càng lắm mới mời được thực khách tô bánh đa cua sóng sánh, đậm đà, nổi vị thơm đặc trưng của cua, sợi bánh trần vừa độ cùng chả lá lốt mềm ngọt.
Bánh đa cua tiệm Bà Cụ phố Cầu Đất đã quá nổi tiếng, nhưng len lỏi trong các ngóc ngách chợ Hàng Kênh, ngõ Lửa Hồng (Tôn Đức Thắng)… cũng có những hàng bánh đa cua xứng đáng để bạn ghé chân vào.
Nem vuông – vị nhớ đất Cảng
Có lẽ “cậy” gần biển nên người xứ này đã sáng tạo ra nem vuông – món ngon đậm đà hương vị biển khơi. Nem cua bể là tên gọi khác của món trứ danh này, thế nhưng thành phần chính ngoài cua bể nhất thiết phải có tôm. Tôm và cua bể ngon nhất là ở Cát Hải. Người “Phòng” luôn hấp cua và tôm trong khoảng 15 phút để giữ được vị ngọt. Tôm và cua ấy sau đó đem trộn đều với nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc xay nhuyễn, trứng gà, miến, giá đỗ, hạt tiêu. Nem được gói thành từng cái to, hình vuông, rồi rán trong chảo ngập mỡ hoặc dầu. Nem là món cần được ăn nóng, nếu không sẽ giảm vị ngon. Nước chấm đi cùng phải thanh dịu nhưng nổi vị chua, mặn, ngọt, cay và nên pha trước khi ăn khá lâu, để cho các thành phần như nước mắm, dấm, tỏi, tiêu, ớt, đường có đủ thời gian “quện” vào nhau. Rau sống dùng kèm cũng cần tươi, sạch được lựa kỹ.
Nem vuông hẳn là một thức quà ngon và cầu kỳ, từ khâu làm đến khi thưởng thức. Nem thành phẩm chuẩn là vỏ phải mỏng và giòn tan. Còn giòn nhưng hơi thiên về cứng thì chưa đạt độ hoàn hảo. Hình như đó lại là câu chuyện của bánh đa nem mà dân sành vẫn truyền tai nhau rằng nên chọn loại bánh của làng Chều (Hà Nam) với lịch sử hơn 700 năm.Nem vuông bây giờ đã có mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng ở các thành phố lớn, nhưng nếu đã một lần thưởng nem vuông ở đất Cảng, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng thưởng thức món này ấn tượng nhất chính là ở Hải Phòng. Muốn tìm quán nem cua ngon, có thể tới đến chợ Cát Bi, chợ Cố Đạo, quán Bà Cụ (Cầu Đất)…
Nộm sứa đỏ – món ngon mùa hè
Sứa đỏ, thức quà của biển mặn mòi chế biến thành nộm đã trở thành món ngon đặc trưng và hấp dẫn ở đất này. Sau khi sơ chế, sứa được cắt miếng khoảng 2 đốt ngón tay bằng dao tre làm từ ống cật nứa để thành phẩm không bị tanh mà vẫn giữ được hương vị. Ở Hải Phòng, mùa sứa đỏ từ khoảng 4 tháng đầu hè và mùa đánh bắt kết thúc vào khoảng cuối tháng 6. Các gánh hàng sứa vì thế cũng chỉ có hàng bán đến hết tháng 8 trong năm. Nói nộm sứa là món ăn của mùa hè là còn bao hàm cả nghĩa giữa tiết trời nóng nực mà được “thưởng” những lát sứa mát lịm thì không còn gì bằng.
“Ăn được mắm tôm thì ăn được nộm sứa đỏ”, kẻ sành ăn nói vậy. Thế nhưng với nộm sứa Hải Phòng, mắm tôm không phải là thức chấm phổ biến như “bỗng”. Có lẽ những người chưa biết về “bỗng” đa số là người miền Nam. Bỗng – còn gọi là dấm bỗng hay bỗng rươụ là loại gia vị phổ biến ở miền Bắc. Vị chua của nó được lên men tự nhiên từ hèm rượu. Cách làm bỗng cũng khá đơn giản, nấu nếp thành xôi, sau đó cho men vào ủ rồi thêm nước và chưng cất thành rượu trắng. Phần xác cơm rượu được gọi là hèm.
Người ta đun sôi bỗng rượu trước rồi cho vào đó mẻ, giềng xay, đường, cà chua đã nấu chín rồi nêm cho vừa vặn. Để hỗn hợp sệt lại sẽ cần chút bột đao. Sau cùng, thứ nước chấm này được rắc dừa nạo sợi. Món đồ chấm lạ lẫm dành cho một món ăn cũng bội phần độc đáo – nộm sứa đỏ.